Tạo sân chơi cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân

(BĐT) - Pháp luật về đấu thầu đã tạo ra sân chơi cạnh tranh, minh bạch, rộng rãi cho các doanh nghiệp (DN) trong mọi lĩnh vực, thành phần có thể tham gia vào thị trường mua sắm công. Bên cạnh đó, những chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước trong đấu thầu đã tạo đầu ra cho nhiều hàng hóa Việt, giúp DN Việt có cơ hội lớn lên.
Hàng năm, việc lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu sử dụng vốn nhà nước với tổng giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng đã tạo ra thị trường lớn cho doanh nghiệp nội. Ảnh: Quang Tuấn
Hàng năm, việc lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu sử dụng vốn nhà nước với tổng giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng đã tạo ra thị trường lớn cho doanh nghiệp nội. Ảnh: Quang Tuấn

Khuyến khích nguồn lực trong nước

Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 494/CTT-TTg ngày 20/4/2010 về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước (CT494); tiếp đó là nhiều chỉ thị đã được ban hành nhằm chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC; chấn chỉnh việc thực hiện hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu.

Các nội dung về ưu đãi cho nhà thầu trong nước, hàng hóa và lao động trong nước theo tinh thần CT494 cũng được đưa vào Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu (NĐ63). Những quy định này khuyến khích nhà thầu sử dụng hàng Việt Nam khi tham gia đấu thầu các gói thầu mua sắm hàng hóa; buộc nhà thầu ngoại phải san sẻ cơ hội cho nhà thầu nội khi tham gia thị trường mua sắm công tại Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần công việc nào của gói thầu.

Riêng đối với đấu thầu thuốc, việc ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước được quy định cụ thể tại Điều 50 Luật Đấu thầu. Theo đó, đối với thuốc sản xuất trong nước được Bộ Y tế công bố đáp ứng yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp thì trong hồ sơ mời thầu (HSMT), hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu.

Đồng thời, để có cơ sở cho các chủ đầu tư, bên mời thầu lựa chọn sử dụng hàng Việt trong quá trình tổ chức đấu thầu ngay từ khi xây dựng HSMT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Bộ Công Thương đã liên tục ban hành, cập nhật các danh mục hàng hóa trong nước sản xuất được.

Theo Bộ KH&ĐT, trong những năm qua, việc đốc thúc triển khai CT494, các quy định về ưu tiên hàng Việt trong đấu thầu luôn được chú trọng. Căn cứ yêu cầu thực tế, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành 2 chỉ thị là Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước; Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước. Bộ KH&ĐT đánh giá, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 chỉ thị này đã tiếp tục hỗ trợ các DN trong nước tăng cường sản xuất theo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xây dựng sân chơi cạnh tranh, minh bạch cho khu vực tư

Để có thể trưởng thành thực sự và đứng vững trên thị trường mua sắm công tại Việt Nam, chính doanh nghiệp - nhà thầu và lao động Việt cần chủ động, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, từng bước vươn lên để làm chủ trên “sân nhà”, nắm bắt thành công các cơ hội mở từ Luật Đấu thầu.
Hàng năm, cả nước có hàng trăm nghìn gói thầu sử dụng vốn nhà nước với tổng giá gói thầu hàng trăm nghìn tỷ đồng được tổ chức lựa chọn nhà thầu. Con số của năm 2017 là 221.469 gói thầu thực hiện lựa chọn nhà thầu theo Luật Đấu thầu, với tổng giá gói thầu là 559.156 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 520.119 tỷ đồng. Nhà nước thông qua hoạt động đấu thầu mua sắm, đầu tư đã và đang là người mua lớn, tạo ra thị trường cho rất nhiều doanh nghiệp trong nước.

Quan trọng hơn, pháp luật về đấu thầu với những quy định bảo đảm cạnh tranh, minh bạch đã tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia được thị trường mua sắm công.

Theo ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, pháp luật về đấu thầu đã giúp DN tư nhân trong nước có cơ hội nhiều hơn tham gia vào hoạt động mua sắm công. Đặc biệt, từ khi ban hành CT494 đến nay, hàng hóa sản xuất trong nước được cung ứng nhiều hơn vào các gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Thông qua đó, DN Việt có thêm thị trường, tiêu thụ được hàng hóa, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. DN cũng có thêm niềm tin là những chính sách hỗ trợ DN đã đi vào cuộc sống thật, chứ không chỉ trên giấy, thấy được các cơ quan quản lý, phụ trách hoạt động đấu thầu quan tâm hơn đến DN trong nước, hàng hóa sản xuất trong nước. DN có “chỗ dựa” hơn, cả về thị trường, cả về tâm lý, để yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu hàng Việt được cung ứng nhiều vào thị trường mua sắm công sẽ giảm đi nhập siêu, góp phần vào cân đối vĩ mô. 

Ông Tô Hoài Nam chia sẻ, sức sản xuất hàng Việt hiện nay, kể cả đối với những ngành phức tạp, cơ bản Việt Nam có thể đáp ứng được, có thể nói là không thua hàng ngoại nhập. Công nghệ sản xuất một số sản phẩm của Việt Nam rất tốt, đảm bảo được cả tiêu chuẩn quốc tế.

Tuy nhiên, qua thực tế giám sát việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở một số địa phương, ông Tô Hoài Nam cho biết, vẫn còn tình trạng cho hàng Việt tham gia thầu theo kiểu làm cho tròn nhiệm vụ, chưa hẳn là vì hàng Việt. Đâu đó vẫn còn tâm lý sính ngoại trong mua sắm công, một số chủ đầu tư không phải vì động cơ cá nhân mà do nhận thức chưa đúng mức về hàng Việt, vẫn còn suy nghĩ hàng Việt chất lượng không tốt bằng hàng ngoại, chọn hàng ngoại cho yên tâm. Mặt khác, nhiều DN có khả năng cung ứng vào gói thầu mua sắm công đôi khi không quyết tâm tham gia đấu thầu vì sợ không được, lo nhiều áp lực khác như có phải chi phí ngầm không, trúng thầu mà không cám ơn thì liệu có hạch sách không…

"Cộng đồng DN kỳ vọng những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước sẽ được thực thi tốt hơn trong thực tế. Hành lang pháp lý ưu tiên cho nguồn lực trong nước, cho hàng hóa sản xuất trong nước tham gia đấu thầu trong khu vực công đã tương đối hoàn chỉnh với quy định ở Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này, nhưng quy định của một số ngành chưa thực thi được hết ý tưởng của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật", ông Tô Hoài Nam nói.

Ở chiều ngược lại, Bộ KH&ĐT khuyến nghị các đơn vị sản xuất trong nước cần chủ động không ngừng nâng cao và cải tiến chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư, bên mời thầu; tăng cường đội ngũ nhân lực trình độ cao, đầu tư trang thiết bị công nghệ và cải tiến quản lý. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh việc giới thiệu rộng rãi sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất trên các phương tiện thông tin và các phương thức khác để các đơn vị có nhu cầu biết, sử dụng.

Đồng thời, để thúc đẩy DN và hàng hóa trong nước phát triển, theo Bộ KH&ĐT, phải thực hiện song song các chính sách hỗ trợ, ưu tiên cụ thể để khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.

Và theo ý kiến của nhiều DN, để có thể trưởng thành thực sự và đứng vững trên thị trường mua sắm công tại Việt Nam, chính DN - nhà thầu và lao động Việt cần chủ động, sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, từng bước vươn lên để làm chủ trên “sân nhà”, nắm bắt thành công các cơ hội mở từ Luật Đấu thầu.

Chuyên đề