Tăng cường quản trị doanh nghiệp nhà nước bằng cách nào?

Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và nhiều DN sau cổ phần hóa có vốn Nhà nước chi phối đang rất yếu về quản trị. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho DN khó khăn trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài chiến lược.
Tăng cường quản trị doanh nghiệp nhà nước bằng cách nào?

Các chuyên gia kinh tế trong Báo cáo Việt Nam 2035 đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể để cải thiện điểm yếu này.

Cụ thể, các DNNN ở Việt Nam cần một cơ quan đại diện sở hữu nhà nước chuyên trách và chủ động. Cơ chế hiện nay là không phù hợp bởi Chính phủ được giao làm đại diện sở hữu của nhà nước, nhiều bộ ngành thực thi thẩm quyền của chủ sở hữu, và không có quan chức chính phủ cụ thể nào chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của DNNN.

Nhìn vào mô hình Singapore, Chính phủ có thể thành lập khoảng 4 quỹ quản lý vốn đầu tư của Nhà nước. Để thực hiện quyền sở hữu, các quỹ đó có thể xem xét báo cáo tài chính và báo cáo công khai định kỳ; tham gia các hội nghị cổ đông thường niên và đặc biệt; bỏ phiếu dựa trên tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước để bổ nhiệm thành viên ban giám đốc (và các vấn đề khác cổ đông cần xem xét); hỗ trợ bổ nhiệm hội đồng quản trị hiệu quả (có nhân sự và tổ chức phù hợp) ở từng DNNN.

Ngoại trừ các vấn đề thông thường liên quan đến quản lý nhà nước về kinh tế, môi trường và xã hội mà tất cả các doanh nghiệp đều phải tuân thủ, các cơ quan chính quyền không được phép can thiệp vào các vấn đề của DNNN.

Trong nhiều cuộc hội thảo, các chuyên gia quản trị của IFC cũng đã chỉ ra những vấn đề nên cải thiện trong lĩnh vực này. Điều quan trọng là quỹ quản lý vốn đầu tư của Nhà nước phải hỗ trợ các nỗ lực chuyên nghiệp hóa đội ngũ quản lý trong các DNNN.

Chế độ quản lý chuyên nghiệp này bao gồm việc trả lương theo nguyên tắc thị trường; gắn lương với hiệu quả hoạt động; kiểm soát và công khai những giao dịch với các bên liên quan để tranh xung đột lợi ích.

Để thực thi đúng thẩm quyền, hội đồng quản trị của DNNN đòi hỏi các thành viên phải hành xử vì lợi ích chung của doanh nghiệp, không có xung đột lợi ích khi thực thi chức trách được giao, có đủ kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp, bao gồm cả kinh nghiệm trong khu vực tư nhân.

Việc lựa chọn tổng giám đốc điều hành và lãnh đạo cao cấp của DNNN cần thực hiện theo thông lệ tốt, và từng bước nên trao công việc này cho hội đồng quản trị thực hiện.

Thẩm quyền này sẽ củng cố trách nhiệm của hội đồng quản trị trong việc giám sát bộ máy quản lý và đảm bảo sao cho tổng giám đốc điều hành phải chịu trách nhiệm giải trình trước hội đồng quản trị.

Các chuyên gia cũng nêu ra nhiều căn bệnh liên quan đến DNNN. Đó là Việt Nam đang có quá nhiều DNNN và Nhà nước không chỉ phải giảm số lượng mà cả đầu tư vào DNNN. Nhiều doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực sản xuất trong những ngành không có lý do thuyết phục để duy trì sở hữu nhà nước.

Việt Nam nên đặt chỉ tiêu danh mục khoảng 20 DNNN “công ty mẹ” cho chính quyền trung ương là hợp lý. Việc này có thể tập trung thực hiện cho các ngành “chiến lược”, mặc dù ngay cả DNNN trong những ngành chiến lược này cũng nên đặt ở vị thế phải đối mặt với áp lực cạnh tranh.

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc minh bạch thông tin tài chính của khối DNNN. Việt Nam cần sớm áp dụng các quy định về hạn mức ngân sách cứng và chế độ thông tin tài chính tin cậy và kịp thời. Báo cáo tài chính của DNNN cần được công khai để đảm bảo  tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và kỷ luật ngân sách.

Chế độ công khai thông tin tài chính và kế toán ở Việt Nam cần được cải thiện. Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) cần được hài hòa hóa với Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Bên cạnh kiểm toán nội bộ, DNNN cần được kiểm toán độc lập theo đúng các Chuẩn mực kiểm toán quốc tế (IAS).

Từng DNNN có thể áp dụng chính sách cổ tức phù hợp do Hội đồng quản trị thông qua. Cổ đông nhà nước không cho phép DNNN giữ lại hoặc tái đầu tư phần lớp lợi nhuận từ vốn nếu không có sự giám sát thận trọng của hội đồng quản trị và cổ đông nhà nước tại DNNN.

Nếu DNNN không thể đạt đủ chỉ tiêu lợi nhuận sau khi điều chỉnh rủi ro bằng lượng vốn tái đầu tư, lượng vốn thặng dư đó có thể được nộp lại cho Bộ Tài chính dưới hình thức cổ tức được trả một lần hoặc cổ tức định kỳ.

Chuyên đề