Tại "di sản" của Trịnh Xuân Thanh: PVN tiết lộ thêm nhiều vướng mắc về tài chính, nhân sự

Một trong số những "di sản" nhắc đến là, việc PVC sử dụng tiền tạm ứng vào các mục đích khác 1.115 tỷ đồng đã dẫn đến nhiều hệ luỵ về cả chi phí, tiến độ, pháp lý, ảnh hưởng đến nguồn lực triển khai dự án.
Chậm tiến độ khiến nhiều thiết bị tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã quá hạn bảo hành.
Chậm tiến độ khiến nhiều thiết bị tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã quá hạn bảo hành.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có công văn gửi Bộ Công Thương cập nhật, báo cáo tình hình thực hiện và vướng mắc tại các dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư và Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) làm tổng thầu EPC. Tổng mức đầu tư dự án là 41.799 tỷ đồng (1,2 tiỷ USD đội vốn thêm 6.000 tỷ đồng), thuộc danh mục các dự án nguồn điện cấp bách theo Quyết định 2414/QĐ-TTg, ngày 11.12.2013, của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này là tâm điểm khiến nhiều lãnh đạo PVN và PVC vướng lao lý. Liên quan tới sại phạm tại dự án này, nhiều lãnh đạo bao gồm: ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Lê Đình Mậu - nguyên Kế toán trưởng PVN, Vũ Hồng Chương - nguyên Trưởng ban dự án Thái Bình 2, Trần Văn Chương - kế toán trưởng Thái Bình 2… đã bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử.

Báo cáo của PVN cho biết, một trong những vướng mắc hiện nay của dự án là, thời hạn giải ngân cuối cùng theo quy định tại hợp đồng vay nước ngoài là ngày 28/9/2018. Việc gia hạn thời hạn giải ngân chưa được Bộ Tài chính đồng ý.

Trong trường hợp không được gia hạn, việc thu xếp nguồn vốn thiếu hụt khoảng 506 triệu USD với thời hạn trả nợ 7-10 năm và không bảo lãnh Chính phủ sẽ là thách thức lớn đối với PVN trong thời điểm hiện nay.

Trong khi đó, việc thu xếp các khoản vay nội tệ từ các ngân hàng trong nước để đảm bảo cơ cấu vốn theo giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh lần 2 đã được phê duyệt hiện nay chưa hoàn thành do vấn đề cho vay vượt hạn mức tín dụng tại các ngân hàng thương mại trong nước chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận.

Đáng lưu ý, báo cáo của PVN chỉ ra rằng, việc tổng thầu là Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) sử dụng tiền tạm ứng của dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào các mục đích sản xuất kinh doanh khác (1.115 tỷ đồng) và mặc dù đã được Toà án phán quyết, xử lý trách nhiệm các nhân. Tuy nhiên vẫn dẫn đến nhiều hệ luỵ cả về chi phí, tiến độ, pháp lý, ảnh hưởng đến nguồn lực trong triển khai dự án.

PVN cũng cho biết, một trong những vướng mắc về phía Tổng thầu nữa là, khoản thiếu hụt chi phí của Tổng thầu tồn tại và ảnh hưởng nhất đang là chi phí quản lý của Tổng thầu đã được PVC phân bổ cho dự án nhiệt điện Thái Bình 2 quá cao so với giá trị trong hợp đồng EPC.

Một số chi phí thực tế Tổng thầu PVC đã thực hiện nhưng chưa đủ cơ sở để chủ đầu tư chấp thuận như chi phí khắc phục, bảo dưỡng hư hại vật tư, thiết bị, chi phí bảo quản do kéo dài tiến độ. Cùng với đó, năng lực Tổng thầu cũng được đánh giá là yếu, không chủ động được nguồn vốn bù đắp để triển khai dự án mà chủ yếu dựa vào nguồn thanh toán từ chủ đầu tư.

Theo báo cáo của PVC dự kiến đến khi hoàn thành dự án, giá trị thiếu hụt so với hợp đồng EPC đã được kí kết khoảng 55,18 triệu USD và 1.095 tỷ đồng. Đây cũng sẽ là khoản hạch toán lỗ đối với PVC. Ngoài ra, theo báo cáo của PVC, tại thời điểm 31/7/2018 dòng tiền của PVC bị thiếu hụt khoảng 498 nghìn USD và 698,3 tỷ đồng.

“Các khó khăn về tài chính là nguyên nhân chính dẫn đến chậm tiến độ kéo theo những rủi ro cho dự án như: phát sinh chi phí bảo hiểm, lãi vay, chi phí bảo quản, sửa chữa, bảo hành thiết bị, chi phí quản lý…”, PVN cho biết.

Ngoài ra, theo PVN, nhiều cán bộ của Tổng thầu PVC và chủ đầu tư có biểu hiện tâm lý, lo sợ các rủi ro pháp lý nên xin chuyển công tác và thiếu quyết liệt trong việc triển khai dự án, đặc biệt trong xử lý các phát sinh.

“Càng về sau, Tổng thầu càng khó khăn trong việc đảm bảo hình thành, duy trì nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm quản lý tiến độ, đấu thầu, mua sắm”, báo cáo nêu.

PVN cũng cho biết, để tháo gỡ các khó khăn, đặc biệt là khó khăn về dòng tiền cho PVC nhằm thúc đẩy dự án, PVN đã đồng loạt áp dụng nhiều giải pháp. Trong đó, áp dụng linh hoạt cơ chế thanh toán cho Tổng thầu PVC, thậm chí tạm sử dụng vượt vốn chủ sở hữu theo cơ cấu trong tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

PVN cũng cho sử dụng số tiền PVC chuyển vào tài khoản của Tập đoàn tại Oceanbank để tạm khấu trừ khoản thu hồi tạm ứng trong các đợt thanh toán của chủ đầu tư cho PVC. Đối với các hạng mục công việc do PVC và các nhà thầu triển khai chậm hoặc không triển khai, chủ đầu tư đã thực hiện cắt giảm phạm vi công việc và giao cho đơn vị có đủ năng lực.

Về quản lý điều hành, Tập đoàn sớm hoàn thành kiện toàn, thay thế, ổn định đội ngũ lãnh đạo liên quan của tổng thầu, biệt phái, cử cán bộ có kinh nghiệm, có hiểu biết về tình trạng dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tham gia và đảm nhiệm một số chức danh, hỗ trợ PVC trong công việc.

Chuyên đề