Sức khỏe doanh nghiệp chưa cải thiện

(BĐT) - Báo cáo tình hình chung về đăng ký doanh nghiệp (DN) tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2017 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố cho thấy “sức khỏe” của DN Việt Nam vẫn còn một số vấn đề đáng lưu ý. Do đó, những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Hầu hết doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Hầu hết doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tăng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động

Báo cáo cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 14.451 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 152.558 tỷ đồng, tăng 3,9% về số DN và tăng 35,0% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. 2 tháng đầu năm 2016, số DN tăng 1% và số vốn đăng ký tăng 45,8% so với cùng kỳ năm 2015.

Tỷ lệ DN thành lập mới giảm ở một số ngành nghề so với cùng kỳ năm ngoái như: nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy… Một số vùng có số DN đăng ký thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2016 như: Tây Nguyên có 363 DN, giảm 11,2%; Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 1.905 DN, giảm 4,7%.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ vốn đăng ký cũng giảm ở một số ngành nghề so với 2 tháng đầu năm 2016 như:  sản xuất phân phối điện, nước, ga; thông tin và truyền thông; hoạt động dịch vụ khác… 2 vùng có số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ năm 2016 là Đồng bằng sông Cửu Long với 7.837 tỷ đồng, giảm 3,0% và Trung du và miền núi phía Bắc với 8.766 tỷ đồng, giảm 1,4%.

Trong 2 tháng đầu năm, số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 8.673 DN, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2016. Hầu hết các DN này đều có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 91,9% tổng số DN tạm ngừng hoạt động). Cũng trong 2 tháng đầu năm, số DN hoàn tất thủ tục giải thể của cả nước là 2.524 DN, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Số DN quay trở lại hoạt động trong 2 tháng đầu năm 2017 là 7.977 DN, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2016.  Trong khi đó, cùng kỳ năm 2016, số DN quay trở lại hoạt động tăng tới 69,5%.

Tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

DN Việt Nam, nhất là khối DN nhỏ và vừa, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể phát triển và vươn ra bên ngoài.
Dựa vào số liệu thống kê, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, số DN hoàn tất đăng ký tạm ngừng kinh doanh và số DN hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng là điều đáng lưu ý. Tuy nhiên, để có một đánh giá chính xác về “sức khỏe” của DN thì phải có khảo sát thực tế. Đề cập đến việc chính sách ban hành có thể tác động đến “sức khỏe” của DN, ông Hiếu cho rằng, chưa có chính sách gì tác động mạnh đến hoạt động của DN.

“Dự thảo Nghị định hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước trong lĩnh vực thương mại vừa được đưa ra lấy ý kiến đã đón nhận nhiều ý kiến trái chiều, tuy nhiên đây mới chỉ là dự thảo nên chưa thể có tác động đến hoạt động của DN. Còn vụ việc Hải Phòng quyết định thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển cũng có thể tác động đến sức khỏe của DN, song chưa thể tác động tới mức DN phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể DN ngay được”, ông Hiếu phân tích.

Đánh giá về bức tranh DN Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng, “sức khỏe” nội tại của khối DN vẫn còn không ít vấn đề đáng quan ngại. DN Việt Nam, nhất là khối DN nhỏ và vừa, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể phát triển và vươn ra bên ngoài.

Trước đó, tại Hội thảo lấy ý kiến Dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức, nhiều đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý, hiệp hội DN, luật sư nhất trí cần ban hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa với những hỗ trợ giúp DN Việt Nam vượt qua khó khăn và phát triển. Những chính sách hỗ trợ này sẽ góp phần tạo thêm gam màu tươi sáng cho bức tranh DN trong những tháng tới, năm tới.­

Chuyên đề