Sửa Luật Doanh nghiệp: Nâng cao vị thế của hộ kinh doanh

(BĐT) - Việc nâng hộ kinh doanh (HKD) lên thành doanh nghiệp (DN) hay không đang tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại đều hướng đến mục đích chính thức hóa và nâng cao địa vị pháp lý của khu vực kinh tế này, vốn đang bị bỏ ngỏ quản lý lâu nay.
Cả nước có hơn 100.000 hộ kinh doanh có doanh thu thường xuyên hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Huế Nguyễn
Cả nước có hơn 100.000 hộ kinh doanh có doanh thu thường xuyên hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Huế Nguyễn

Có nên bắt buộc HKD trở thành DN?

Câu hỏi này được đặt ra và tranh luận khá sôi nổi tại Tọa đàm Nghiên cứu khung khổ pháp lý cho HKD theo Luật DN.

Một luồng ý kiến cho rằng, điều kiện thành lập DN tư nhân và công ty hiện nay gần như bằng 0 và không khác gì với việc thành lập HKD. Đặc biệt, Luật DN năm 2005 và năm 2014 cho phép thành lập công ty TNHH MTV là cá nhân.

Tuy nhiên, trong số  HKD đang hoạt động, luồng ý kiến này cho rằng, chỉ nên chuyển đổi những HKD thuộc phạm vi phải đăng ký. Hiện chỉ có khoảng 1,6 triệu HKD có đăng ký kinh doanh, còn lại khoảng 3,6 triệu HKD không đăng ký. Để việc chuyển đổi thuận lợi, cần có lộ trình tăng dần yêu cầu theo mỗi năm để không còn khoảng cách giữa HKD và DN, ít nhất là DN siêu nhỏ.

“Không thể bắt HKD chuyển thành DN phải sống như DN siêu nhỏ hiện nay, mà phải làm cho các DN siêu nhỏ dễ sống như HKD. Nếu không nâng được chuẩn HKD lên, thì buộc phải hạ chuẩn DN siêu nhỏ xuống”, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật Basico đề xuất.

Một luồng ý kiến khác lại cho rằng, không nên “cưỡng chế”, bắt buộc HKD chuyển thành DN một cách cứng nhắc, mà cần có chính sách linh hoạt, để tự HKD lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh phù hợp, xuất phát từ nhu cầu thực tế. Thực tế, có không ít HKD đã phá sản, giải thể hoặc quay về hình thức thành lập ban đầu sau khi chuyển thành DN.

Thực tế tại Việt Nam thời gian qua, HKD vẫn là hình thức được ưa chuộng hơn khi khởi nghiệp. Luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Interco dẫn chứng, năm 2016 có 110.000 DN được đăng ký thành lập theo Luật DN, nhưng có đến 155.000 người chọn hình thức HKD để khởi nghiệp. Theo thống kê của Tổng cục Thuế năm 2017, cả nước có 102.095 HKD có doanh thu thường xuyên là hơn 1 tỷ đồng/năm. HKD có hơn 10 lao động và có hơn 2 địa điểm đăng ký kinh doanh cũng là con số đáng kể. 

Tháo gỡ rào cản

Những cuộc tranh luận như trên có chung một xuất phát điểm là những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý nhà nước đối với HKD.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Luật DN năm 1999, năm 2005, năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan khác quy định về HKD còn quá sơ sài, nên đương nhiên đã trở thành sự lựa chọn chủ yếu trên thực tế. Việc một người có nhiều công ty là chuyện bình thường, nhưng một người đồng thời duy trì hai chủ thể kinh doanh là công ty và HKD là điều đáng phải suy nghĩ khi sửa Luật DN.

Thực tế còn tồn tại một bất cập nữa, theo ông Đức, là có những HKD có doanh thu trên 500 triệu đồng/tháng nhưng chỉ phải nộp 1 triệu đồng lệ phí môn bài mỗi năm; trong khi DN siêu nhỏ phải nộp từ 1 - 3 triệu đồng tùy theo vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư...

Theo chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình, khi sửa Luật DN cần phải làm rõ tại sao các chủ HKD không lựa chọn hình thức DN tư nhân khi đăng ký thành lập DN và đâu là biện pháp để xóa bỏ những cản ngại đó. Ngoài lựa chọn chuyển đổi lên DN tư nhân hay công ty, có những giải pháp chính sách nào khác để HKD nâng cao tính chính thức, minh bạch hoạt động?

Tại nhiều quốc gia, ông Bình chia sẻ, hình thức cá nhân kinh doanh hết sức phổ biến và phù hợp. Cá nhân kinh doanh đều được đăng ký, có mã số thuế, và chịu các quy định về thuế khi đạt một ngưỡng doanh số nhất định. Tại Australia, nếu cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 75.000 AUD thì sẽ phải đăng ký mã số kinh doanh ABN và tiến hành nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng được phép khấu trừ các chi phí phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Phong cho rằng, cơ sở và hành lang pháp lý để quản lý HKD hiện còn nhiều bất cập, thiếu và yếu. Ví dụ về lao động, theo quy định, đơn vị kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên thì bắt buộc phải thành lập DN. Nếu DN không đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thì không được hạch toán chi phí hợp pháp. HKD chỉ được sử dụng thường xuyên dưới 10 lao động và chỉ được đăng ký tại 1 địa điểm kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng sử dụng trên 10 lao động nhưng không kê khai, trốn thuế, không sử dụng hóa đơn VAT, chứng từ... lại không quản lý được. Hiện chưa có một đầu mối nào quản lý chuyên ngành với đối tượng này. Đây là một lỗ hổng pháp lý rất lớn cần khắc phục.

“Mặc dù Luật DN được xem là một trong những đạo luật có tính cải cách nhất, đi đầu về việc quy định địa vị pháp lý của các thực thể kinh doanh trên thị trường, nhưng cũng không thể điều chỉnh được hết, mà còn phải căn cứ vào các luật chuyên ngành. Do đó, cần sửa đổi cả các văn bản pháp luật liên quan đến HKD để đảm bảo quyền tự do kinh doanh, bình đẳng, và hoạt động quản lý nhà nước đối với chủ thể này”, ông Phong nhấn mạnh.

Chuyên đề