Sửa Luật DN, kỳ vọng quản trị DN đổi về chất

(BĐT) - “Nhiều công ty cổ phần (CP) ở Việt Nam được thành lập nhưng không biết HĐQT hay ĐHĐCĐ là gì; cổ đông cũng không biết quyền và sử dụng quyền của mình khi khởi kiện…”, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá. 
Khi thành lập, doanh nghiệp chỉ nên chọn loại hình công ty cổ phần nếu muốn huy động vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Tường Lâm
Khi thành lập, doanh nghiệp chỉ nên chọn loại hình công ty cổ phần nếu muốn huy động vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Ảnh: Tường Lâm

Đây chỉ là một trong nhiều tồn tại khiến cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp (DN) theo hướng đẩy mạnh thực thi quy định về quản trị một cách chặt chẽ, hiệu quả theo đúng thông lệ quốc tế.

Khoảng cách giữa quy định và thực tế

Tổng kết, đánh giá thi hành Luật DN 2014 của CIEM cho thấy, Luật DN và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các DN. Tuy nhiên, theo đại diện Ban soạn thảo sửa Luật DN 2014, vẫn còn khoảng cách giữa các quy định và thực thi quy định về quản trị DN theo Luật DN.

“Trong Luật DN năm 2000, 2005, 2014 phần quản trị DN gần như không thực thi nhiều. Điều người ta nói nhiều là quyền tự do kinh doanh và gia nhập thị trường của DN. Quản trị công ty là khái niệm xa xỉ ở Việt Nam”, ông Hiếu đánh giá.

Theo kết quả một khảo sát, có tới 80.000 công ty CP ở Việt Nam hiện nay là công ty gia đình (gồm bố, mẹ, con sở hữu CP)… Thực tế cho thấy, hiện nhiều công ty CP không biết HĐQT là gì, không biết ĐHĐCĐ là gì…  “Nếu công ty chỉ có 3 người thì lúc thành lập nên chọn loại hình là công ty TNHH, bởi quản trị ít tốn kém, không phức tạp. Khi nào DN muốn huy động vốn, niêm yết trên thị trường chứng khoán thì mới nên chuyển đổi sang loại hình công ty CP”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo một số chuyên gia tài chính, kinh nghiệm quản trị DN trên thế giới cho thấy, cách thức quản trị tốt là tách bạch giữa người góp tiền vào công ty và người điều hành công ty, thường họ xây dựng bộ máy quản trị độc lập chuyên nghiệp. Bộ máy này sẽ phục vụ cho lợi ích của chung là các cổ đông. Khi lợi ích chung được tôn trọng thì khả năng tranh chấp giữa các cổ đông rất thấp. Tuy nhiên, ở Việt Nam đang vận hành theo hướng, các cổ đông muốn có người của mình ngồi trong công ty để phục vụ tốt nhất cho lợi ích của mình.

Hơn nữa, trong đa số những vụ việc khiếu kiện, nhiều cổ đông không biết sử dụng quyền của mình được quy định rõ trong Luật DN, mà luôn dùng kênh đầu tiên là kiện lên cơ quan quản lý nhà nước. Đây không phải là cách áp dụng đúng quy định của Luật DN.

Kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho biết, quản trị kinh doanh ở Việt Nam xếp vị trí 81 trên tổng số hơn 100 nền kinh tế được tiến hành đánh giá. Chất lượng của Luật DN Việt Nam ngang với Indonesia, Philippines, nhưng khi đo quản trị 100 công ty tốt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam thì chỉ đạt 35 điểm/120 điểm, thấp hơn rất nhiều hai nước này. 

Đâu là giải pháp?

Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để thúc đẩy chất lượng quản trị DN tại Việt Nam? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật chỉ là một phần, phần quan trọng nhất là DN phải thực thi quy định.

Theo ông Hiếu, Luật DN hiện hành cũng đã có quy định rất rõ, chặt chẽ về quản trị, song thực thi chưa được như mong đợi. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đa số các nước phát triển đều có hệ sinh thái rất tốt thúc đẩy quản trị DN. Chẳng hạn như trước khi mua CP 1 công ty, cổ đông luôn xem xét đánh giá kỹ quyền của mình trong đó. Khi DN nhận thức được thì họ luôn có điều lệ tốt nhất cho các cổ đông. Tại Việt Nam, có tới trên 90% DN chép điều lệ mẫu trong Luật DN để làm điều lệ cho DN mình mà không có tính toán. Nếu một công ty gia đình mà chưa thành lập HĐQT thì gần như không ai phạt… Như vậy, bản thân DN cũng phải nâng cao năng lực quản trị của mình.

Đối với việc kiểm soát xung đột trong DN, đại diện cơ quan chủ trì sửa Luật DN 2014 cho biết, pháp luật quy định quyền cho cổ đông khởi kiện người quản lý nhưng đa số cổ đông ở Việt Nam không hiểu và không áp dụng…

“Luật DN quy định quyền và nghĩa vụ của người quản lý DN là thực hiện nhiệm vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty. Trường hợp người quản lý không làm đúng quy định này, Điều 161 Luật DN quy định quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc”, ông Hiếu nhấn mạnh. Theo đó, lần này sửa Luật DN, cơ quan soạn thảo mong muốn các DN hãy cùng nhau thực hiện tốt các quy định về quản trị, góp phần nâng cao chuẩn mực của Luật DN.

Chuyên đề