Start-up Việt: Chính phủ cũng cần... mạo hiểm!

(BĐT) - Đầu tháng 8/2016, bà Ho Ching, Phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long với chiếc ví trị giá 11 USD mang theo trong một cuộc diện kiến tại Nhà trắng, đã nhanh chóng trở thành một sự kiện truyền thông toàn thế giới.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Không phải Hermes, Louis Vuitton hay bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, chiếc ví mà bà Ho Ching mang theo đơn giản là sản phẩm được thiết kế bởi một học sinh Singapore ở Pathlight, trường học dành cho trẻ tự kỷ đầu tiên ở nước này. Sau màn ra mắt mang tính lịch sử đó, sản phẩm của học sinh tự kỷ 19 tuổi nhanh chóng tiêu thụ được 200 chiếc trong vòng 1 ngày và hết hàng ngay sau đó. Trong 4 tháng trước đó, số lượng tiêu thụ cũng chỉ khoảng 200 chiếc. 

Hành động của bà Ho Ching được coi là món quà mà bà cũng như Chính phủ Singapore dành cho người dân nước mình, vì nhiều lẽ. Với góc nhìn về khởi nghiệp (Start-up), điều này còn cho thấy sự sẵn lòng hỗ trợ của Chính phủ Singapore đối với các doanh nghiệp ngay từ giai đoạn ươm mầm.

Tại cuộc Hội thảo quốc tế “Tạo dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp: Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel”, bên cạnh việc trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp, các cá nhân, tổ chức tham gia cũng lên tiếng về vai trò không thể thiếu của Chính phủ trong lĩnh vực mới mẻ này. 

Chính phủ cũng cần mạo hiểm!

Do đặc thù, các Start-up đôi khi chưa kịp hình thành pháp nhân, hoặc nếu có cũng đang ở giai đoạn sơ khai, dòng tiền và kết quả kinh doanh chưa thể ổn định, việc huy động vốn của các Start-up là cực kỳ khó khăn. Đây là cơ hội để các quỹ đầu tư mạo hiểm (Hedge Fund) và nhà đầu tư thiên thần (Angel Investor) “ra tay”.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, do các Start-up luôn cần vốn, nên quỹ đầu tư mạo hiểm cũng như các nhà đầu tư thiên thần là vô cùng cần thiết. Hiện tại có khoảng 20 quỹ mạo hiểm có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên các quỹ này không lập quỹ chính thức mà chỉ có văn phòng đại diện. Số lượng các nhà đầu tư thiên thần hiện chưa nhiều, nhưng có xu hướng tăng.

Đến lúc này, Chính phủ cần ra tay. Đó là gắn kết các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tạo một hành lang pháp lý đủ rộng để họ có thể hoạt động trong lĩnh vực đặc thù này. Một câu hỏi được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra là, liệu Nhà nước có nên thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm để trực tiếp hỗ trợ các Start-up Việt?

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc thành lập quỹ là cần thiết, nhưng cần cân nhắc tỷ lệ góp vốn của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước chỉ nên đóng góp 30% mà thôi, còn lại là do khu vực tư nhân đóng góp. Và điều quan trọng là, do tính chất mạo hiểm của quỹ, cần phải “giải thoát” quỹ khỏi thuật ngữ quen thuộc: “duy trì và bảo tồn vốn nhà nước”. Đầu tư vào Start-up có thắng có bại, khó mà có một cam kết bảo tồn duy trì vốn được, ông Đông nhấn mạnh. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng quan điểm và cho rằng, nhiều quốc gia đã có những quy định miễn trách nhiệm hình sự với những trường hợp cá biệt.

Ai cũng cần mạo hiểm, ngay cả Chính phủ! - ông Võ Trần Đình Hiếu, Giám đốc Nghiệp vụ mảng đầu tư Công ty Tư nhân - Dragon Capital Group nhận định. 

Ngay từ việc nhỏ nhất…

Nếu không muốn lỡ nhịp trong tương lai, không có cách nào khác, Việt Nam buộc phải chú trọng và đầu tư đáng kể vào Start-up.
Israel được coi là một cường quốc khởi nghiệp. Mà lý do đơn giản chỉ là họ không còn cách nào khác! Đất nước 8 triệu dân này không có tài nguyên, vị trí địa lý khó khăn, bên cạnh là những láng giềng tương đối đặc biệt…

Việt Nam thì khác. Vị trí địa lý của nước ta tương đối thuận tiện. Dân số 94 triệu người bản thân nó đã là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho các Start-up. Thế nhưng, phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Quất cho rằng, mặc dù thị trường 94 triệu dân được cho là lớn, nhưng trên thực tế, đó chưa là tiềm năng. Đơn cử, trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, nước ta cũng chưa khuyến khích các Start-up. Các Start-up cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận được với các doanh nghiệp lớn, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước.

Start-up được hiểu là các doanh nghiệp tí hon, đang ở giai đoạn ươm mầm. Có vẻ như vì điều đó mà sự quan tâm tới các doanh nghiệp này đang chủ yếu ở mức… phong trào. Thế nhưng, nhìn vào những con số về Start-up tại Israel, đất nước bé nhỏ hơn Việt Nam cả về diện tích lẫn quy mô dân số, mới thấy chúng ta đã bỏ lỡ những gì: Chỉ trong năm 2015, các Start-up tại Israel đã gây quỹ được tới 4,4 tỷ USD. Cũng từ các Start-up, trong năm 2015, đã có 8 phi vụ IPO trị giá 609 triệu USD, song hành với đó là 104 phi vụ thoái vốn trị giá 9,02 tỷ USD. Lạc quan hơn cả, trong các phi vụ thoái vốn đó, có tới 50% các thương vụ do nhà đầu tư Mỹ mua lại, 30% do nhà đầu tư Israel mua lại. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn, hiệu quả không thể phủ nhận của các Start-up tại đất nước này.

Nếu không muốn lỡ nhịp trong tương lai, không có cách nào khác, Việt Nam buộc phải chú trọng và đầu tư đáng kể vào Start-up. Quả ngọt không dễ hái, nhưng không thể vì thế mà không trồng cây!

Chuyên đề