Sheraton Hạ Long Bay sẽ hồi sinh?

(BĐT) - Dự án khách sạn tại khu vực Cột 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long đã được khởi động lại sau thời gian dài án binh bất động. Lần này, tên của khách sạn sẽ không còn được gắn thương hiệu Sheraton của Tập đoàn Starwood với quy mô đầu tư lớn hơn, nhưng chủ đầu tư vẫn là người cũ.
Dự án Khu khách sạn và dịch vụ cao cấp Sheraton Hạ Long Bay sau 3 năm vẫn chỉ nằm trên giấy
Dự án Khu khách sạn và dịch vụ cao cấp Sheraton Hạ Long Bay sau 3 năm vẫn chỉ nằm trên giấy

Dự án bất động 3 năm

Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long vừa được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ định là nhà đầu tư thực hiện Dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp tại khu vực Cột 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long (Dự án Khách sạn Hạ Long Bay). Được biết đây cũng là địa chỉ của Dự án Khu khách sạn và dịch vụ cao cấp Sheraton Hạ Long Bay, được khởi công từ 3 năm về trước. Theo một số website bất động sản, tại thời điểm cuối năm 2015, Dự án Sheraton Hạ Long Bay có tổng mức đầu tư gần 40 triệu USD và được xây dựng trên diện tích sàn khoảng 38.000 m2.

Xác nhận với Báo Đấu thầu, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Hạ Long cho biết, Dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp tại khu vực Cột 3, phường Hồng Hải, TP. Hạ Long chính là Dự án Sheraton Hạ Long Bay cũ nhưng đã được điều chỉnh tên gọi. Theo Quyết định số 4183/QĐ-UBND ngày 23/10/2018, Dự án có tổng diện tích 47.220 m2, với công trình dịch vụ cao cấp quy mô 3 tầng + 2 tầng hầm; công trình dịch vụ văn phòng, dịch vụ và nhà ở công vụ 12 tầng + 1 tầng hầm; công trình khách sạn; dịch vụ thương mại. Tổng mức đầu tư của Dự án đã được nâng lên thành 1.193 tỷ đồng (tương đương hơn 51 triệu USD).

Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, Dự án Sheraton Hạ Long Bay được khởi công tháng 10/2015. Tháng 3/2016, nhà đầu tư Dự án là Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long đề nghị thay đổi quy mô, thiết kế của Dự án theo hướng mở rộng quy mô, bổ sung thêm hạng mục tòa nhà văn phòng, dịch chuyển vị trí khách sạn về phía biển. Nhà đầu tư cũng đề xuất được khai thác du lịch bãi tắm tại khu vực hòn Lõm Bò hoặc hòn Ba Hang để đảm bảo đồng bộ trong kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng. Đến tháng 2/2017, Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã trúng thầu thi công Dự án Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay và dịch vụ cao cấp với tổng giá trị hợp đồng là 1.650 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, Dự án vẫn án binh bất động.

Ngày 26/9/2017, Phòng Tài chính - Kế hoạch TP. Hạ Long thông báo mời sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện Dự án Khách sạn Hạ Long Bay và Khu dịch vụ cao cấp. Thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển từ 8 giờ ngày 2/10/2017 đến thời điểm đóng thầu vào 8 giờ ngày 1/11/2017. Theo thông báo này, Dự án có tổng chi phí thực hiện là 1.600 tỷ đồng.

Tại dự án lần này, do chỉ có 1 nhà đầu tư là Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long tham gia và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển nên tiến hành chỉ định nhà đầu tư theo quy định.

Xung quanh câu chuyện vì sao Dự án khởi công tại thời điểm cuối năm 2015 nhưng đến năm 2017 lại thực hiện sơ tuyển nhà đầu tư, Báo Đấu thầu sẽ đề cập trong bài viết sau. 

Chủ đầu tư “tay không bắt giặc”?

Theo dữ liệu của Báo Đấu thầu, Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long được thành lập ngày 10/8/2015, chỉ trước thời điểm khởi công xây dựng Khách sạn Sheraton Hạ Long Bay 2 tháng. Vốn điều lệ của Công ty lúc bấy giờ là 25 tỷ đồng, bằng 3% quy mô 40 triệu USD của Dự án. Trong đó, 3 cổ đông sáng lập là Công ty CP Thể thao và Giải trí C.L.U.B.M (51%), Vũ Duy Thành (44%) và Lê Quốc Hưng (5%).

Có lẽ sau 3 năm không hoàn thành được Dự án Sheraton Hạ Long Bay, Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long đã có sự chuẩn bị kỹ hơn khi tăng vốn điều lệ lên 760 tỷ đồng vào ngày 29/12/2017. Nhưng lưu ý đây chỉ là vốn đăng ký trên giấy tờ. Cụ thể, hiện cổ đông Công ty CP Thể thao và Giải trí C.L.U.B.M vẫn đang nắm giữ 51% vốn điều lệ của Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long. Tuy nhiên, 51% này chỉ tương đương với giá trị 12,75 tỷ đồng. Với phép toán đơn giản có thể tính ra được số vốn thực góp vẫn chỉ là 25 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ đông Vũ Duy Thành cũng đã chuyển nhượng 26% vốn góp và hiện chỉ còn nắm giữ 18%.

Còn về Công ty CP Thể thao và Giải trí C.L.U.B.M, hiện công ty này có vốn điều lệ chỉ 14,75 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập ban đầu là Trần Việt Đức, Vũ Duy Thành, Đỗ Vũ Diên đã gần như thoái sạch vốn tại đây.

Đến đây có thể đặt câu hỏi, bên cạnh nguồn vốn sẵn có, Công ty CP Khách sạn C.L.U.B.M Hạ Long sẽ huy động thêm các nguồn lực tài chính nào để có thể thực hiện dự án nghìn tỷ này?

Trong khi chưa có câu trả lời, nhìn vào cổ đông sáng lập của Thể thao và Giải trí C.L.U.B.M, có thể thấy mối liên kết của C.L.U.B.M với Công ty CP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long, nơi ông Đỗ Vũ Diên đang làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty, còn ông Vũ Duy Thành là cổ đông sáng lập.

My Way Hạ Long có vốn điều lệ 354,6 tỷ đồng, là chủ sở hữu nhiều dự án lớn như Dự án Times Garden tại Ngã năm Cột đồng hồ, phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long; Dự án Đầu tư xây dựng Khu hỗn hợp chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở kết hợp phố mua sắm tại phường Bạch Đằng, TP. Hạ Long.

Ngoài Công ty CP Đầu tư và Khách sạn My Way Hạ Long, ông Thành cũng là cổ đông sáng lập của nhiều công ty khác như Công ty CP Tài chính và Đầu tư Gia Phát.

Chuyên đề