Quá cưng doanh nghiệp nợ tiền thuê đất

Nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuê đất, nhưng hàng chục doanh nghiệp đang đầu tư tại các khu công nghiệp Cần Thơ vẫn không bị Ban quản lý… xử lý.
Quá cưng doanh nghiệp nợ tiền thuê đất

Ông Võ Ngọc Hồ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Cần Thơ (Cipco) cho biết, đến thời điểm hiện tại, có trên 10 doanh nghiệp thuê đất tại KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 nợ không chỉ tiền phí duy tu hạ tầng, mà còn nợ cả tiền thuê đất với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Có những doanh nghiệp rất chây ì, điển hình là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An, nay là Công ty cổ phần Thủy sản Cần Thơ - Hà Nội, mặc dù hai bên đã nhiều lần làm việc với nhau, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa chịu thanh toán. Cipco đã đưa ra nhiều hình thức linh hoạt trong thanh toán như phân kỳ trả dần, nếu không có nhu cầu thuê thì có thể trả lại đất. Tuy nhiên, cho tới nay khoản nợ tiền thuê 3 ha đất tới hơn 20 tỷ đồng, doanh nghiệp này vẫn chưa thanh toán, mà đất thì cũng không chịu trả.

Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn, Cipco cũng đã tạo điều kiện tốt nhất để họ có thể tái cơ cấu, phục hồi sản xuất để còn tiền trả nợ. Phương châm của Cipco là đồng hành, cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thứ cấp, chính vì thế mà cho dù các doanh nghiệp này nợ nần kéo dài, nhưng Cipco vẫn kiên trì chọn giải pháp ôn hòa để thu hồi nợ.

KCN Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 là hai KCN ra đời sớm nhất tại TP. Cần Thơ, hiện nay cả hai khu này cơ bản đã lấp đầy diện tích. Do hình thành sớm, nên giá cho thuê đất khởi điểm ở 2 KCN này rất thấp và ưu đãi cho doanh nghiệp rất nhiều, có những doanh nghiệp được miễn tiền thuê đất đến 10 năm.

Điển hình như Dự án Nhà máy sản xuất xe ô tô Hyundai do Công ty cổ phần Ô tô Hyundai - Vinamotor (nay là Công ty cổ phần Việt Nam Motors) làm chủ đầu tư, được chấp thuận thuê 35 ha đất tại KCN Trà Nóc 2 từ tháng 11/2004, để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô. Chính quyền địa phương kỳ vọng, Dự án khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp rất nhiều trong thúc đẩy kinh tế, giải quyết việc làm tại địa phương, nên xét ưu đãi miễn hoàn toàn tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi nhận đất, với mức phí hạ tầng ưu đãi 0,1 USD/m2/năm.

Giai đoạn I, dự án được giao 15,6 ha. Theo cam kết của nhà đầu tư thì dự án sẽ bắt đầu đi vào hoạt động sau 18 tháng xây dựng từ khi được giao đất. Tuy nhiên, tới nay đã 12 năm mà dự án này vẫn ngưng trệ, phần diện tích đất hơn 10 ha chưa xây dựng nhà xưởng bị nhà đầu tư bỏ hoang phế, nhiều lần Cipco vận động nhà đầu tư này trả lại phần đất bỏ hoang, nhưng thà bỏ trống chứ họ không giao lại. “Phần đất này nếu được cho thuê với giá “bèo” 1 USD/m2/năm, thì trong 10 năm qua cũng thu được hàng triệu USD”, ông Hồ nói.

Do hai KCN do Cipco đầu tư hạ tầng được thành lập sớm nhất tại Cần Thơ, nên mức giá cho thuê đất khởi điểm rất thấp, nay tuy có điều chỉnh tăng, nhưng vẫn thuộc hàng thấp nhất tại địa phương. Ngoài ra, còn có khoảng 30 ha đất nằm trong KCN của doanh nghiệp đầu tư trước khi hình thành KCN nên không phải đóng tiền thuê đất cho Cipco. Năm 2014, Cipco cũng đã giao cho UBND thành phố 4,5 ha đất KCN Trà Nóc 2 để xây dựng Vườn ươm công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Tổng diện tích đất của 2 KCN do Cipco đầu tư kinh doanh hạ tầng là KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 là 290 ha, nhưng mức thực thu hàng năm rất eo hẹp. Năm 2015, Cipco cũng đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà máy xử lý nước thải. Dự án đã đi vào hoạt động khoảng 8 tháng, nhưng lượng nước thải các doanh nghiệp cung cấp chỉ đạt 25% công suất.

“Với những điều kiện thực tế như thế, hiện nay Cipco đang lâm vào tình thế rất khó khăn, do vậy, buộc lòng chúng tôi phải khởi kiện 6 doanh nghiệp nợ chây ì kéo dài, trong đó có vụ kiện Công ty cổ phần Việt Nam Motors để đòi lại đất. Chúng tôi cũng đang gặp gỡ trao đổi lần cuối cùng với 3 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất khác, nếu không đạt được sự thỏa thuận thì chúng tôi cũng sẽ khởi kiện để nhờ tòa án phán quyết. Chuyện làm ăn kinh doanh mà phải kéo nhau ra tòa là điều không ai mong muốn, tuy nhiên những doanh nghiệp nợ Cipco đã kéo dài khá lâu, nên buộc chúng tôi phải có biện pháp cứng gắn để thu hồi”, ông Hồ chia sẻ.

Theo Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, tại KCN Thốt Nốt do Trung tâm Xây dựng hạ tầng trực thuộc Ban làm chủ đầu tư, hiện cũng có 8 doanh nghiệp nợ tiền thuê đất, phí duy tu, bảo dưỡng hạ tầng với số tiền trên 50 tỷ đồng, trong đó có một doanh nghiệp nợ đến hơn 40 tỷ đồng. “Chúng tôi đang trao đổi yêu cầu doanh nghiệp có kế hoạch phân kỳ trả nợ. Quan điểm của chúng tôi là luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp. Trong sản xuất - kinh doanh thì cũng có lúc này lúc khác, với những doanh nghiệp gặp khó khăn thì mình phải tìm cách hỗ trợ hết mình để họ vượt qua, sự thành công của họ cũng là thành công của mình. Việc kiện tụng chỉ là hạ sách, tình huống bất khả kháng”, một vị lãnh đạo của Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ chia sẻ.

Chuyên đề