PVX lên kế hoạch doanh thu 2018 giảm 29%, không đề cập chỉ tiêu lãi

Nhận định năm nay tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hoạt động kinh doanh, PVX đặt mục tiêu doanh thu giảm 3% xuống 3.800 tỷ đồng, trong khi không đề cập đến chỉ tiêu lợi nhuận.
PVX lên kế hoạch doanh thu 2018 giảm 29%, không đề cập chỉ tiêu lãi

Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) cho rằng sẽ phải đối mặt một số rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Do vậy, PVX đặt mục tiêu giá trị sản xuất 2018 giảm 29% xuống còn 3.100 tỷ đồng. Tổng doanh thu giảm 3% chỉ đạt 3.800 tỷ đồng. Công ty không đề cập đến chỉ tiêu lợi nhuận, trong khi năm 2017 lỗ ròng hơn 416 tỷ đồng.

Trong quý I, PVX đạt tổng doanh thu 615,6 triệu đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Nhưng, nhờ chi phí giá vốn và các chi phí quản lý giảm mà lãi ròng công ty tăng 18 lần, đạt 18.6 tỷ đồng.

Một trong những yếu tố rủi ro đầu tiên trong năm 2018 là việc tái cơ cấu nợ gốc và lãi với khoản vay ủy thác của Tập đoàn Dầu khí. Lỗ lũy kế tại 31/12/2017 của công ty mẹ PVX là 3.253 tỷ đồng, các tài sản/dự án hình thành từ nguồn vốn vay ủy thác của tập đoàn không phát huy được hiệu quả, một số đơn vị của PVX đã chuyển nhượng/sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến khó có khả năng thu xếp dòng tiền để trả nợ vay ủy thác tập đoàn.

Tại dự án NMNĐ Thái Bình II sau khi rà soát đánh giá, PVX ước tính chi phí thực tế thực hiện hợp đồng EPC so với tổng giá trị Hợp đồng theo Phụ lục bổ sung số 26 thì chênh lệch đầu thu và chi phí trước thuế khi thực hiện Hợp đồng EPC khoảng 1.027 tỷ đồng (chưa bao gồm các rủi ro tiềm tàng đã được Hội đồng quản trị/ Người đại diện vốn báo cáo tập đoàn và Đại hội đồng cổ đông tại các cuộc họp). Nếu không được tập đoàn/Ban QLDA giải quyết tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tại các đề xuất kiến nghị của PVX cũng như hỗ trợ kịp thời về dòng tiền cho dự án thì sẽ khó có thể tiếp tục thực hiện dự án.

Mặt khác, PVX còn tiềm ẩn rủi ro tại các dự án đang chờ quyết toán như NMNĐ Vũng Áng 1, dự án NMNĐ Quảng Trạch, dự án Ethanol, dự án PVTex, dự án Lô B – Ô môn… do khối lượng công việc bị cắt giảm và chi phí gia tăng. Bên cạnh đó, PVX còn lo ngại đến một loạt rủi ro từ các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu khó đòi…

Trong năm, công ty sẽ đàm phán với cổ đông lớn – Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về khoản công nợ vay ủy thác Oceanbank theo hướng khoanh nợ gốc, tiếp tục gia hạn thời hạn trả nợ gốc, miễn/giảm lãi phát sinh. Đồng thời, công ty sẽ đàm phán với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để ký kết phụ lục điều chỉnh hợp đồng EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình theo hướng tối thiểu phải bù đắp các chi phí.

PVX cũng tập trung tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 theo phương án được PVN phê duyệt. PVX chỉ đạo các đơn vị thành viên khẩn trương thoái vốn tại các dự án bất động sản nhằm thu hồi vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn vay và bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính của đơn vị. Theo đó, PVX sẽ thực hiện toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng dầu khí (PVC-IC) trong thời gian tới.

Năm 2017, PVX ghi nhận doanh thu 3.899 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch, tăng 42% so với năm trước. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ ròng hơn 416 tỷ đồng, kết quả kém hơn so với cùng kỳ năm 2016 (có lãi gần 92 tỷ đồng).

Chuyên đề