PVN muốn rút gần 130 tỷ phong toả tại OceanBank để làm Nhiệt điện Thái Bình 2

Khoản tiền gửi của tổng thầu PVC và các đơn vị thành viên tại OceanBank vẫn bị phong toả sau khi ngân hàng được mua lại 0 đồng.
Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong Trung tâm điện lực Thái Bình (tỉnh Thái Bình).
Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nằm trong Trung tâm điện lực Thái Bình (tỉnh Thái Bình).

Trong văn bản gửi các cấp có thẩm quyền, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị một loạt giải pháp về tài chính nhằm gỡ khó về vốn cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm tiến độ hơn 3 năm.

127 tỷ đồng tiền gửi tại OceanBank của tổng thầu EPC dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các đơn vị thành viên được PVN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo OceanBank giải toả để sử dụng cho dự án. Trong đó, số tiền gửi của PVC tại OceanBank khoảng 82 tỷ đồng và PVC-IC là 45 tỷ đồng.

PVN cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước ủng hộ khi các ngân hàng thương mại trong nước xin phép cấp tín dụng vượt hạn mức cho PVN và mong muốn được vay vốn tín dụng đầu tư tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)... để giải ngân cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Hồi đáp lại các kiến nghị này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đang chỉ đạo OceanBank xây dựng phương án tái cơ cấu để trình Thủ tướng phê duyệt trước khi triển khai thực hiện. Theo đó, các khoản tiền gửi của PVN và đơn vị thành viên tại OceanBank sẽ được xử lý tổng thể trong phương án cơ cấu lại của ngân hàng này và chi trả theo lộ trình, sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nới hạn mức cho vay của các ngân hàng thương mại với dự án này, Ngân hàng Nhà nước giải thích thêm, quy định hiện hành thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng. Cơ quan này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của các ngân hàng. Song thực tế báo cáo của các ngân hàng, hiện PVN chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý quan trọng liên tuan tới phê duyệt hiệu chỉnh tổng mức đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án... để có sơ sở thẩm định xem xét, quyết định cho vay theo đúng quy định. “Do đó, kiến nghị của PVN chưa đủ cơ sở xem xét”, Ngân hàng nhà nước trả lời.

Cơ quan quản lý tiền tệ cũng khẳng định, các ngân hàng cấp tín dụng cho dự án này phải tuân thủ quy định giới hạn chấp tín dụng theo Điều 128 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010; quá trình cho vay cũng phải tuân thủ quy định Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay. Việc xét duyệt cho vay với dự án này do các ngân hàng tự cân đối vốn, thẩm định xét duyệt cho vay đảm bảo quy định pháp luật. Trường hợp vượt giới hạn tín dụng, các nhà băng trình Ngân hàng Nhà nước xem xét, trình Thủ tướng quyết định mức tín dụng tối đa với từng trường hợp cụ thể.

“PVN cần làm việc với các ngân hàng để được thẩm định, xem xét cấp tín dụng theo đúng quy định hiện hành, chỉ đạo của Thủ tướng”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

Còn với mong muốn của PVN vay vốn từ VDB, Ngân hàng Nhà nước đã từ chối do cho rằng dự án này không thuộc đối tượng vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 32/2017. “Đề nghị được vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đầu tư dự án của PVN là không có cơ sở pháp lý thực hiện”.

Đứng trước khó khăn chồng chất trong thu xếp vốn còn thiếu và vốn vay nước ngoài chưa được giải ngân lớn, khoảng 505 triệu USD, trong khi thời hạn giải ngân cuối cùng vào tháng 9/2018 chưa được gia hạn, PVN đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục gia hạn đến năm 2021 với hợp đồng vay uỷ thác trị giá 995 tỷ đồng tại OceanBank, để PVC tập trung nguồn lực triển khai dự án.

Đề xuất này cũng ngay lập tức không nhận được đồng tình từ các bộ, ngành. Bộ Tài chính cho biết, sau phân tích tình hình "sức khoẻ" PVN cuối năm 2017, cơ quan này nhận thấy rủi ro với các khoản uỷ thác cho vay của PVN và đã có báo cáo lên Thủ tướng vấn đề này. "Vì thế, PVN cần khẩn trương thu hồi các khoản uỷ thác cho vay, gồm cả khoản uỷ thác cho PVC vay theo quy định", Bộ Tài chính đề nghị.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước lại cho biết, “do chưa đầy đủ thông tin nên cơ quan này chưa đủ cơ sở tham gia ý kiến liên quan nội dung trên”.

Trước những khó khăn chồng chất về vốn đầu tư của Nhiệt điện Thái Bình 2, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét, trình Thủ tướng phương án tái cơ cấu của OceanBank, trong đó ưu tiên sớm xử lý các khoản tiền gửi của PVN, PVC tại nhà băng này. Cùng đó, hỗ trợ PVN trong quá trình làm việc với các ngân hàng trong nước để vay vốn cho dự án.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương cho PVN được gia hạn khoản vay nước ngoài phù hợp với tiến độ hoàn thành dự án.

Trong báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Công Thương cho biết, đến nay dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 sau hơn 6 năm triển khai mới đạt gần 83% tiến độ tổng thể, nhiều hạng mục như mua sắm vật tư, thiết bị và lựa chọn nhà thầu phụ... chưa hoàn thành. Tuy nhiên, một số thiết bị dù chưa đưa vào sử dụng đã hết bảo hành của nhà sản xuất. "Do đó, nếu dự án tiếp tục chậm tiến độ sẽ tăng rủi ro liên quan tới chất lượng thiết bị đã hết bảo hành", Bộ Công Thương cho biết.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có quy mô công suất 2x600MW, thuộc Trung tâm Điện lực Thái Bình (tỉnh Thái Bình), do PVN làm chủ đầu tư và PVC là tổng thầu EPC với hợp đồng trị giá 1,2 tỷ USD. Thời gian hoàn thành tổ máy 1 và 2 tương ứng là 39 tháng và 45 tháng kể từ tháng 6/2012, thời điểm bắt đầu công việc theo hợp đồng EPC.

Theo quy hoạch điện II điều chỉnh được Thủ tướng phê duyệt tháng 3/2016, dự án được đưa vào vận hành thương mại tổ máy 1 năm 2017 và tổ máy 2 năm 2018.

Tuy nhiên, gần đây PVN đã có kiến nghị tiếp tục hợp đồng tổng thầu EPC với PVN, điều chỉnh tiến độ hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 6/2019 và tổ máy 2 sau đó 3 tháng. Nếu đề nghị này được các cấp thẩm quyền phê duyệt, dự án sẽ chậm tiến độ hoàn thành tổ máy 1 tới 45 tháng và 42 tháng với tổ máy 2 so với hợp đồng EPC đã ký năm 2011.

Chuyên đề