​Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa hậu cổ phần hóa: Vẫn bấu víu công ty mẹ

(BĐT) - Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Công ty CP Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa cho thấy, khách hàng chính chiếm 91,61% (929,68 tỷ đồng) doanh thu của Công ty là Công ty mẹ (Công ty TNHH MTV NN Yến Sào Khánh Hòa), còn lại là những doanh nghiệp liên quan khác trong cùng hệ thống. 
Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển sản phẩm hoặc thương hiệu riêng
Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển sản phẩm hoặc thương hiệu riêng

Điều này cho thấy Công ty hiện phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Công ty mẹ về thương hiệu và thị trường, cho dù đã cổ phần hóa được hơn 1 năm.

Gia công sản phẩm

Tiền thân của Công ty CP Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa (NGK Yến Sào Khánh Hòa, mã chứng khoán: SKV) là Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến Sào Diên Khánh trực thuộc Công ty TNHH MTV NN Yến Sào Khánh Hòa. Cuối năm 2016, Công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước là 51%, tên gọi là Công ty CP Nước giải khát Yến Sào Khánh Hòa.

Sau hơn một năm hoạt động theo mô hình mới, doanh thu và lợi nhuận của NGK Yến Sào Khánh Hòa đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước cổ phần hóa. Cụ thể, tại báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất năm 2017 được kiểm toán bởi A&C vừa được công bố, doanh thu thuần của Công ty đạt 1.014 tỷ đồng, tăng gấp 3,74 lần so với mức 271 tỷ đồng của năm 2016. Thêm nữa, tỷ trọng chi phí hoạt động như giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều không có sự thay đổi lớn so với năm trước đã giúp cho Công ty báo lãi ròng 65,29 tỷ đồng, tăng 3,76 lần so với mức 17,36 tỷ đồng năm 2016.

Tại thời điểm 31/12/2017, nợ phải trả của NGK Yến Sào Khánh Hòa đã giảm 39,63%, từ mức 164,16 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống chỉ còn 99,10 tỷ đồng. Khoản mục biến động lớn nhất tạo nên sự thay đổi này là Công ty đã thực hiện chi trả cho Công ty mẹ 63,45 tỷ đồng, trong đó 37,56 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận và 25,8 tỷ đồng là phải trả về cổ phần hóa. 

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm tài chính 2017 của Công ty vừa được tổ chức đã thông qua kế hoạch sử dụng 68,02% lợi nhuận sau thuế của năm 2017, tương đương 44,41 tỷ đồng thực hiện chi trả cổ tức.

Cơ cấu khách hàng cho thấy Công ty đơn thuần chỉ gia công sản phẩm, còn thương hiệu và thị trường đều nằm gọn trong tay Công ty mẹ. Việc thiếu chủ động này sẽ làm giảm sức cạnh tranh trực tiếp của Công ty với những doanh nghiệp cùng ngành khi tỷ lệ chi phối của Nhà nước tiếp tục được giảm xuống trong giai đoạn tới. Khi Nhà nước tiếp tục thoái vốn tại NGK Yến Sào Khánh Hòa, liệu Công ty có còn nhận được sự ủng hộ của một loạt khách hàng quen thuộc hay không? 

Chưa có thương hiệu riêng

Sự phụ thuộc vào Công ty mẹ cả về thương hiệu và thị trường sẽ làm giảm sức cạnh tranh trực tiếp của NGK Yến Sào Khánh Hòa so với những doanh nghiệp cùng ngành khi tỷ lệ chi phối của Nhà nước tiếp tục được giảm xuống trong giai đoạn tới.
Theo kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thông qua, doanh thu dự kiến năm 2018 của Công ty đạt 1.116 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 72 tỷ đồng, tương đương với mức EPS năm 2018 là 3.130 đồng/CP.

Để thực hiện kế hoạch này, NGK Yến Sào Khánh Hòa dự kiến đẩy mạnh hoạt động đầu tư các hạng mục về máy móc, thiết bị và xây dựng hạ tầng cơ sở như khối nhà làm việc, hệ thống xử lý nước thải công suất 900 m3/ngày đêm; máy phun nitơ lỏng công suất 30.000 sản phẩm/giờ và chuẩn bị đưa vào sử dụng các hạng mục như máy chiết rót lon công suất 15.000 sản phẩm/giờ; công suất 12.000 sản phẩm/giờ; máy dán tem công suất 12.000 sản phẩm/giờ.

Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho việc phát triển sản phẩm hoặc thương hiệu riêng.

Sau gần 1 năm cổ phần hóa, NGK Yến Sào Khánh Hòa mới niêm yết trên UPCOM cùng thời điểm Công ty CP Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã chứng khoán: SKH, một DN cùng Công ty mẹ là Công ty TNHH MTV NN Yến Sào Khánh Hòa) vào tháng 10/2017.

Với lợi thế về công suất nhà máy cũng như thương hiệu riêng về sản phẩm, SKH hiện đang được giới đầu tư đánh giá cao hơn hẳn SKV về mặt giá trị cũng như triển vọng phát triển, thanh khoản. Điều này thể hiện rõ thông qua giao dịch của hai cổ phiếu trong thời gian vừa qua. Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều nhà đầu tư đã tranh thủ bán cổ phiếu SKV để chờ đợi cơ hội mua vào cổ phiếu SKH khi thị giá của hai doanh nghiệp này không chênh nhau là mấy.

Chuyên đề