Nợ lớn thách thức kế hoạch thoái vốn của Vimico

(BĐT) - ĐHĐCĐ thường niên diễn ra mới đây của Tổng công ty Khoáng sản TKV - CTCP (Vimico) đã thông qua phương án chi trả cổ tức 6,3% cho năm 2017; kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2018 lần lượt là 6.220 tỷ đồng và 282 tỷ đồng. Đặt ra mục tiêu lãi, tuy nhiên việc thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp này vẫn gặp không ít thách thức.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Nặng gánh lãi vay

Vimico tiền thân là Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 1118QĐ/TCCBDT ngày 27/10/1995 trực thuộc Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công Thương). Công ty được cổ phần hóa vào cuối năm 2015 và chính thức niêm yết trên sàn UPCoM vào ngày 8/7/2016.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2017, doanh thu thuần của Vimico đạt 5.404 tỷ đồng, tăng 37,99% so với mức 3.917 tỷ đồng năm 2016. Biên lợi nhuận gộp cải thiện gần 2%, tăng lên 15,13% trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát tốt đã giúp cho lãi ròng sau thuế của Vimico tăng 84% so với năm 2016, lên 159,9 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, các chỉ tiêu sinh lời của Vimico hiện tại vẫn khá thấp và ở dưới mức trung bình của ngành khoáng sản. Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân đạt 6,21%, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) bình quân chỉ đạt 2,37%.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Vimico đó là dư nợ tín dụng khá cao. Tại thời điểm 31/12/2017, nợ phải trả của Tổng công ty là 4.354 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng ngân hàng là hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016. Với mức dư nợ này bình quân hàng năm Vimico phải chi ra trên 160 tỷ đồng tiền lãi vay, gần bằng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này.

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, Vimico đang đầu tư vào 3 dự án lớn là Dự án Mở rộng nâng công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai (thực hiện năm 2009, điều chỉnh lên 2.564,7 tỷ đồng); Dự án Mở rộng và nâng công suất khu mỏ tuyển đồng Sin Quyền (triển khai năm 2015, nâng tổng mức đầu tư 3.927,53 tỷ đồng); Dự án Thăm dò, khai thác, đất hiếm tại Lai Châu (có tổng mức đầu tư 724 tỷ đồng) đều mới chỉ đầu tư xây dựng hơn 20% theo kế hoạch. Hiện tại, Vimico phải tiếp tục gia tăng dư nợ tín dụng để triển khai các dự án. Do đó, kết quả kinh doanh cũng phải sụt giảm do lãi vay bào mòn. 

Chờ đợi cơ hội thoái vốn

Tại thời điểm 31/12/2017, nợ phải trả của Tổng công ty là 4.354 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng ngân hàng là hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2016. Với mức dư nợ này bình quân hàng năm Vimico phải chi ra trên 160 tỷ đồng tiền lãi vay.
Cuối quý IV/2017, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức roadshow và công bố kế hoạch thoái vốn tại Vimico. Theo đó sẽ giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước từ 98,06% xuống còn 65%, phương thức thoái vốn cùng với thời điểm thoái vẫn chưa được công bố.

Nếu theo quy định mới tại Nghị định số 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp có hiệu lực từ tháng 5/2018 thì mức giá thoái vốn nhà nước không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch trên thị trường chứng khoán. Đối với Vimico, doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn UPCoM với mã chứng khoán KSV song do lượng cổ phần lưu hành khá thấp nên hầu như không có giao dịch và thị giá đang ở quanh mức mệnh giá (10.000 đồng/CP). Nếu chiếu theo quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP thì mức giá thoái vốn của TKV sẽ dao động quanh vùng giá 10.000 - 11.000 đồng/CP.

Theo một số chuyên gia, với tình hình kinh doanh hiện tại cộng với yêu cầu bán vốn trên thị giá, việc thoái vốn nhà nước tại Vimico là không đơn giản. Để thành công, phải thu hút được nhà đầu tư giàu tiềm lực tài chính và có quyết tâm tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả hoạt động của Vimico.

Chuyên đề