Nhiều “ông lớn” xin lùi tiến độ cổ phần hóa

(BĐT) - Với gần 80 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa (CPH) giai đoạn 2017 - 2018 xin lùi thời hạn hoàn thành, cộng thêm 27 DNNN phải CPH theo kế hoạch trong giai đoạn 2019 - 2020 đang tạo áp lực lớn cho việc hoàn thành kế hoạch CPH giai đoạn 2016 - 2020. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Trước thực tế này, cơ quan chức năng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi danh mục DN CPH giai đoạn 2016 - 2020. 

73 doanh nghiệp xin gia hạn

Tính đến tháng 2/2019, tổng số DN hoàn thành CPH năm 2017 và 2018 là 37 DN, đạt 31,5% so với kế hoạch. Số lượng DN chưa hoàn thành kế hoạch theo phê duyệt tại Công văn 991/TTg-ĐMDN là 76 DN.

Trong số 76 DNNN chưa hoàn thành kế hoạch CPH giai đoạn 2017 - 2018, nhiều bộ, địa phương và DNNN đề xuất điều chỉnh lộ trình CPH sang giai đoạn 2019 - 2020 đối với 73 DN và điều chỉnh phương án sắp xếp đối với 3 DN. Đồng thời, trong số 27 DN thực hiện CPH giai đoạn 2019 - 2020, các bộ, địa phương đề xuất điều chỉnh phương án sắp xếp đối với 2 DN. Như vậy, tổng số DN cần thực hiện CPH giai đoạn 2019 - 2020 là 98 DN. Đây là áp lực rất lớn đối với việc hoàn thành kế hoạch khi danh sách nói trên có nhiều DNNN quy mô lớn.

Một số DNNN không hoàn thành kế hoạch CPH của TP. Hà Nội như: Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội; Tổng công ty Vận tải Hà Nội; Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC); Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị Hà Nội…

Tại TP.HCM có một số DN chưa hoàn thành kế hoạch CPH như: Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn; Công ty TNHH MTV 27/7; Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn; Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Công ty Địa ốc Sài Gòn…

Trước thực tế này, trong một báo cáo mới đây trình Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chức năng đề xuất thay đổi lộ trình hoàn thành CPH theo đề xuất của các bộ, địa phương, DNNN để các cơ quan này có căn cứ để tiếp tục thực hiện quá trình CPH. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ chấp nhận đề xuất này để sửa đổi các quy định tại Công văn số 991/TTG-ĐMDN thì tổng số DN cần thực hiện CPH trong giai đoạn 2016 - 2020 là 98 DN.

Lộ diện nhiều “ông lớn” chậm trễ

Trong Danh mục các DNNN kiến nghị điều chỉnh tiến độ CPH có nhiều DN quy mô lớn. Trong đó, Bộ Xây dựng có 2 DN lớn là: Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đều xin lùi hạn chót hoàn thành CPH từ năm 2017 sang năm 2020.

Với VICEM, thời gian qua, nhiều dự án của Tổng công ty có hiệu quả thấp, không thoái được vốn; nhiều công ty con hoạt động chưa hiệu quả làm trì hoãn hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại DN này xuống dưới 50% như yêu cầu tại Quyết định 58/2016/QĐ-TTg.

Đối với HUD, theo cam kết của DN này thì phải đến tháng 11/2020 mới có thể hoàn thành CPH theo yêu cầu. Sự chậm trễ này là do quỹ đất, quỹ nhà tại các dự án của Tổng công ty có diện tích lớn, triển khai qua nhiều thời kỳ và tại nhiều địa phương trong cả nước nên việc tổng hợp, trình duyệt hồ sơ rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Trong phát biểu đầu năm 2019, đại diện HUD cam kết, Tổng công ty tiếp tục phối hợp với cơ quan liên quan để hoàn thành việc xác định giá trị DN cũng như xây dựng phương án CPH của công ty mẹ Tổng công ty trình Bộ Xây dựng, cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo danh mục này, một DN lớn trong ngành ngân hàng xin lùi thời hạn hoàn thành CPH từ năm 2019 sang năm 2020 là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) với lý do phương án sắp xếp, xử lý nhà đất lớn và phức tạp nên không thể dự kiến được thời gian hoàn thành. Còn Tập đoàn Hóa chất Việt Nam - Công ty mẹ xin lùi thời gian hoàn thành CPH từ năm 2019 sang giai đoạn 2019 - 2020 bởi phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chưa được phê duyệt…

Trong khi đó, theo kế hoạch năm 2019, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - Công ty mẹ sẽ phải hoàn thành CPH. Tuy nhiên, mới đây, tập đoàn này cũng kiến nghị cơ quan chức năng tiến độ CPH để phù hợp với tình hình triển khai thực tế. Lý do được đưa ra là, đến nay, Tập đoàn đã trình phương án sử dụng đất từng phần và đang tiếp tục triển khai phần còn lại, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sớm thành lập ban chỉ đạo để hướng dẫn thủ tục, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất.

Chuyên đề