Nhiều nhà thầu là DN lớn hụt hơi

(BĐT) - Cùng với sự tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế trong những năm gần đây, ngành xây dựng tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, nhiều nhà thầu vốn là DNNN quy mô lớn trước đây, lại có kết quả hoạt động không mấy khả quan.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Nhà thầu xây dựng gốc nhà nước lép vế

Thống kê hoạt động kinh doanh của phóng viên Báo Đấu thầu, trong 2 năm 2016 và 2017 (số liệu được công bố đầy đủ), chỉ riêng lợi nhuận 2 ông lớn xây dựng là Công ty CP Xây dựng Coteccons và Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã chiếm gần một nửa thị trường, trong khi các doanh nghiệp quốc doanh với vốn điều lệ hàng nghìn tỷ đồng nếu không thua lỗ, cũng chỉ hoạt động mang tính chất cầm chừng.

Coteccons giữ vị thế đứng đầu với 27.153 tỷ đồng tổng doanh thu và 2.060 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2017, tăng trưởng lần lượt 30,6% và 16,8% so với năm 2016. Doanh thu doanh nghiệp này cũng xấp xỉ 1/3 tổng doanh thu của 13 doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng.

Xếp sau Coteccons là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Hòa Bình và Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) ở phân khúc tầm trung với doanh thu trên dưới 10.000 tỷ đồng. Trong khi nhóm doanh nghiệp đứng cuối bảng là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng công ty 36, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng và Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Licogi, Tổng công ty Sông Đà với doanh thu từ 1.000 đến 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, có những doanh nghiệp còn kinh doanh thua lỗ. Đơn cử như trường hợp của Licogi, doanh nghiệp này vẫn còn ghi nhận lỗ lũy kế đến 528 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2018, tương đương hơn một nửa quy mô vốn điều lệ. Trước đó, năm 2016, 2017 Licogi đều ghi nhận kinh doanh thua lỗ lần lượt là 418 tỷ đồng và 59 tỷ đồng.

Xét về hiệu quả kinh doanh, những doanh nghiệp nhà nước còn thua xa các doanh nghiệp tư nhân như Coteccons, Hòa Bình, Feacon…. Trong khi cứ 100 đồng doanh thu, những doanh nghiệp này đều mang về từ 6,5 đến 7,6 đồng lợi nhuận sau thuế thì con số tương ứng ở các doanh nghiệp như Lilama, Xây dựng Bạch Đằng, Sông Đà đều chỉ ở mức 2%.

(* CC1 đã thoái hết vốn nhà nước trong năm 2017, đvt: tỷ đồng)

Cần thay đổi cách thức quản trị

Những nhà thầu xây dựng vốn là DNNN, mặc dù quy mô vốn điều lệ gấp nhiều lần nhưng thực tế lại chủ yếu hoạt động trong một số phân khúc nhất định. Lợi thế cạnh tranh so với những doanh nghiệp tư nhân thấp hơn đáng kể.

Lilama và Licogi là 2 tổng công ty xây dựng gắn liền với các công trình thủy điện, nhiệt điện lớn trên cả nước. 4 công trình tiêu biểu của Licogi trong giai đoạn 2013 - 2015 với tổng giá trị hợp đồng hơn 7.000 tỷ đồng gắn liền với những cái tên như Thủy điện Bản Chát, Thủy điện Đăkđrinh, Thủy điện Lai Châu hay Thủy điện Sơn La. Trong khi Lilama từ giai đoạn 1996 đến nay là tổng thầu EPC của hàng loạt dự án nhiệt điện lớn như Phả Lại 1, Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Cà Mau, Nhiệt điện Nhơn Trạch.

Bản thân Lilama cũng được biết đến trong lĩnh vực cơ khí chế tạo khi tạo ra 75% các thiết bị cho dự án nhiệt điện, thủy điện, xi măng, đóng tàu hay dầu khí cho các công trình do tổng công ty này là tổng thầu.

Còn Tổng công ty Sông Hồng, Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng hay Hancorp mặc dù vẫn có mặt trong một số dự án tư nhân lớn, nhưng hầu như những tổng công ty này vẫn là đối tác chính của những công trình có vốn đầu tư từ ngân sách, các dự án bất động sản từ những đối tác có mối quan hệ liên quan.

Trong khi đó, những doanh nghiệp như Coteccons, Hòa Bình hay Feacon là thương hiệu đã tạo lập được danh tiếng trên thị trường xây dựng, có những đối tác thường xuyên là nhiều tập đoàn bất động sản lớn như Vingroup, Sungroup, Novaland.... Đơn cử như trường hợp của Hòa Bình, doanh nghiệp này được giao thi công các gói thầu với tổng giá trị hợp đồng trị giá 3.873 tỷ đồng, bao gồm dự án VinCity Ocean Park, VinCity Sportia, VinHomes Westpoint của chủ đầu tư là Tập đoàn VINGROUP vào giữa tháng 12.

Trước đó, vào cuối tháng 10/2018, Hòa Bình liên tiếp thông báo trúng thầu 3 dự án mới trị giá gần 2.000 tỷ đồng gồm Dự án The Peak - Mid Town tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Dự án Swan City - East Saigon giai đoạn 1 và một phần Dự án Khách sạn cao cấp Four Seasons.

Song song, Coteccons mới đây cũng ghi nhận trúng thầu 2 dự án mới từ VINGROUP với tổng giá trị gần 7.000 tỷ đồng, bao gồm Dự án VinCity Sportia - Hà Nội và Dự án Vincity Ocean Park. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, Công ty đã tiếp nhận 5 gói thầu có giá trị lên đến gần 11.500 tỷ đồng.

Theo đánh giá của một chuyên gia kinh tế, để các nhà thầu vốn là DNNN cổ phần hóa không tụt lại trong cuộc đua với DN khác thì phải thay đổi về quản trị, linh hoạt hơn với biến động của thị trường.

Chuyên đề