Nhà thầu ngoại “bất chấp” lợi nhuận, FECON gặp khó

(BĐT) - Là doanh nghiệp có thương hiệu trong thi công nền móng công trình, nhưng hiện FECON đang phải đối mặt với không ít khó khăn trước sự cạnh tranh của nhiều đối thủ ngoại. 
Nhà thầu ngoại “bất chấp” lợi nhuận, FECON gặp khó

Để thâm nhập thị trường Việt Nam, xây dựng thương hiệu và tên tuổi, các nhà thầu này không đặt nặng vấn đề lợi nhuận khi “mạnh tay” giảm sâu mức giá đấu thầu công trình. 

Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận 12% năm 2016

Công ty CP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm (FECON - mã chứng khoán FCN) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016.

Báo cáo tại ĐHCĐ, Chủ tịch HĐQT FECON, ông Phạm Việt Khoa cho biết, năm 2015, Công ty đạt 1.660 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, đạt 92% kế hoạch và tăng trưởng 23% so với năm 2014. Lý giải nguyên nhân doanh thu chưa hoàn thành kế hoạch đề ra, ông Khoa cho biết là do một số dự án trong năm qua bị trì hoãn triển khai từ phía chủ đầu tư, tổng thầu, đặc biệt là các dự án liên quan đến lọc hóa dầu do ảnh hưởng của bất ổn trên biển Đông và biến động giá dầu thế giới, ngân sách eo hẹp, các dự án ODA cũng bị thiếu hụt nguồn vốn đối ứng…

Kết quả năm 2015, FECON lãi sau thuế 155 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2014 và hoàn thành 92% kế hoạch đề ra.

Năm 2016, FECON đặt kế hoạch kinh doanh với chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 2.660 tỷ đồng và 173 tỷ đồng, tăng 57% và 12% so với năm 2015. “Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 12% năm 2016 là một nỗ lực lớn của Ban lãnh đạo Công ty” – đại diện FECON nhấn mạnh.

Cạnh tranh gay gắt với nhà thầu ngoại

Quý I/2016, FECON ước đạt 260 tỷ đồng doanh thu và 26 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo đại diện FECON, mức thực hiện này khá khiêm tốn do quý I trùng với dịp Tết Âm lịch và Dương lịch. Mức thực hiện các quý sau sẽ tốt hơn quý đầu tiên.
Không phủ nhận việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hiện đang nhận được nhiều sự khích lệ, ưu đãi từ Chính phủ, cùng với xu hướng hợp tác công tư được đẩy mạnh, Ban lãnh đạo FECON cho biết cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, các nhà thầu ngoại ồ ạt vào Việt Nam, một thị trường vốn vẫn được coi là tiềm năng.

Quan sát kế hoạch kinh doanh 2016 của FECON có thể nhận thấy tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận của Công ty chênh lệch khá rõ rệt (57% tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận chỉ tăng 12%). Lý giải vấn đề này, đại diện FECON cho biết, Công ty hiện đang phải đối mặt với rất nhiều đối thủ ngoại. Để thâm nhập thị trường Việt Nam, xây dựng thương hiệu và tên tuổi, các nhà thầu này không ngại giảm sâu mức giá đấu thầu, không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Công tác đấu thầu hiện nay vô cùng vất vả. Gần đây FECON đã buộc phải thua cuộc trước 2 nhà thầu ngoại, trong đó có nhà thầu Hàn Quốc, sẵn sàng giảm giá tới 32% so với giá dự toán, trong khi FECON tối đa cũng chỉ giảm được 18%.

Khi được hỏi về dự định nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) – đại diện FECON cho biết, hiện nay Công ty vẫn duy trì room ngoại ở mức 49% theo quy định, đồng thời vẫn xem xét đến việc mở room, và trông chờ những yếu tố tích cực từ việc này. Tuy nhiên, lãnh đạo FECON cho biết, Công ty không nhất thiết phải nới room ở mức tối đa 100%, mà có thể chỉ dừng ở con số 70%. Việc nới room chính thức sẽ được HĐQT quyết định và xin ý kiến ĐHCĐ.

Nỗ lực cải thiện dòng tiền

Là một doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, FECON hiện đang có nhu cầu đầu tư mở rộng thị phần, không tránh khỏi việc vay nợ nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện vòng quay tài sản, tiền phải thu của FECON đang khá “trễ”. Việc thiếu vốn lưu động và thiếu hụt dòng tiền luôn xảy ra – lãnh đạo FECON thừa nhận.

Để cải thiện tình hình trong thời gian tới, FECON sẽ đẩy nhanh công tác hồ sơ, việc nghiệm thu được cập nhật hàng ngày thay vì cuối tháng, kết thúc mỗi công trình như trước đây.

Tại thời điểm cuối năm 2015, số dư khoản phải thu ngắn hạn của FECON là trên 1.000 tỷ đồng, trong đó phải thu khách hàng là gần 917 tỷ đồng. Trong 2 năm gần đây (2014 và 2015), cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng, số dư khoản phải thu khách hàng của FECON đều không dưới 910 tỷ đồng, trong đó con số này cuối năm 2013 chỉ trên 300 tỷ đồng. Dòng tiền kinh doanh của FECON cũng âm trong 2 năm gần đây.

Chuyên đề