Nhà máy giấy 3.000 tỷ đồng bỏ không

Sau 9 năm xây dựng, nhà máy giấy Phương Nam liên tục bị trục trặc, không thể sản xuất và rất khó tìm người mua lại.
Nhà máy giấy Phương Nam trị giá 3.000 tỷ đồng bị bỏ hoang sau nhiều năm không tìm được nhà đầu tư mua lại.
Nhà máy giấy Phương Nam trị giá 3.000 tỷ đồng bị bỏ hoang sau nhiều năm không tìm được nhà đầu tư mua lại.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết đến nay chưa có đơn vị nào đăng ký mua lại dự án nhà máy bột giấy Phương Nam (cách trung tâm huyện Thạnh Hóa khoảng 1km) sau 2 năm Chính phủ có chủ trương thanh lý hoặc nhượng bán dự án.

“Hiện dự án đã được giao lại cho Bộ Công Thương trực tiếp quản lý. Ở góc độ tỉnh, chúng tôi chỉ kiến nghị sớm thanh lý dự án này, tránh để lâu gây hư hỏng, lãng phí”, ông Hồng nói.

Năm 2007, Công ty Tracodi (trước đó thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6) xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy Phương Nam với vốn ngân sách hơn 2.000 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn bột giấy một năm với nguyên liệu chủ yếu từ cây đay. Sau đó, tỉnh Long An phát động nông dân trồng đay thay lúa với diện tích hơn 10.000 ha để phục vụ nhà máy.

Từ năm 2007 đến 2008, Tracodi đã ký hợp đồng trồng nguyên liệu với nông dân 2 huyện vùng Đồng Tháp Mười là Mộc Hóa và Thạnh Hóa với diện tích gần 500 ha (chỉ chiếm 5% diện tích đay của cả vùng) với hơn 10.000 tấn đay tươi và hơn 600 tấn đay sợi.

Đến năm 2009, nông dân ồ ạt trồng đay thêm, diện tích ban đầu từ 3.000 ha lên hơn 8.000 ha. Tuy nhiên, trong quá trình đưa số đay nói trên chạy thử, cả hệ thống nhà máy luôn bị tắc nghẽn do dây chuyền không thể chặt được cây đay.

“Lúc vận động bỏ lúa trồng đay, họ có hứa sẽ bao tiêu ổn định với giá cao, đảm bảo cho nông dân có lãi. Ai ngờ, sau đó khi chúng tôi vay hàng trăm triệu đồng đầu tư xong xuôi thì họ chỉ mua nguyên liệu đầu vào cầm chừng hoặc mua với giá rẻ mạt khiến chúng tôi lỗ nặng”, ông Nguyễn Văn Chí - một người trồng đay cho biết.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng đã yêu cầu Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) tiếp nhận nhà máy, thực hiện tiếp dự án, vốn đầu tư lúc này đã đội lên tới 3.000 tỷ đồng. Đến năm 2012, nhà máy sau thời gian sửa chữa tiếp tục chạy thử dây chuyền sản xuất nhưng vẫn bị hư hỏng, chỉ có khoảng 10% diện tích với 1.000 ha đay được thu mua, số đay còn lại nông dân đành phải chở đi nơi khác bán hoặc bỏ.

Vinapaco sau đó đã mời chuyên gia nước ngoài cùng các chuyên gia cơ khí công nghiệp giấy trong nước khắc phục sự cố nhà máy, nhất là dây chuyền chặt mảnh và đã bàn tính đến giải pháp thay thế nguyên liệu đay bằng nguyên liệu gỗ cứng.

Tuy nhiên, dù tốn nhiều thời gian, kinh phí nghiên cứu, sửa chữa... nhà máy vẫn không thể sản xuất được giấy thành phẩm do công nghệ không phù hợp, hơn 10.000 tấn đay nguyên liệu tại kho sau đó phải bỏ vì mục nát.

Ở vụ tiếp theo, nông dân tiếp tục xuống giống hơn 1.000 ha đay. Khi cây đang lớn chuẩn bị vào mùa thu hoạch thì nhà máy bất ngờ tuyên bố dừng thu mua khiến phần lớn người trồng đay lâm vào cảnh phá sản, nợ nần chồng chất.

Tỉnh Long An đã liên tục kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ để nhà máy có thể tiếp tục hoạt động nhằm “cứu” vùng đay nguyên liệu theo quy hoạch đã được đề ra. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của tỉnh này đều bất thành.

Sau đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ Tài chính và UBND tỉnh Long An sớm xây dựng phương án xử lý đối với dự án bằng hình thức thanh lý hoặc nhượng bán lại nhà máy cho đơn vị có đủ năng lực để trình Thủ tướng.

Hiện tại, hàng nghìn mét vuông nhà xưởng tại Nhà máy Phương Nam vẫn trong tình trạng bỏ không, dây chuyền máy móc tiền tỷ bị bụi bám. Trong khi đó sau thời gian thua lỗ liên tục, vùng đay nguyên liệu tại Long An hiện cũng đã bị xóa sổ và nông dân đã quay lại trồng lúa. 

Chuyên đề