Ngành đường trước thách thức từ Thái Lan

(BĐT) - Thời điểm Việt Nam phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa, trong đó có mặt hàng đường, từ các nước ASEAN theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) về 0% đang đến gần. 
Doanh nghiệp đường của Thái Lan có nhiều dư địa hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc giảm giá bán. Ảnh: Tường Lâm
Doanh nghiệp đường của Thái Lan có nhiều dư địa hơn doanh nghiệp Việt Nam trong việc giảm giá bán. Ảnh: Tường Lâm

Đây sẽ là cơ hội để Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ 2 thế giới, tăng cường xuất khẩu đường sang Việt Nam. Với quy mô lớn hơn và giá bán rẻ hơn, các doanh nghiệp đường từ Thái Lan sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn cho ngành đường Việt Nam.

Cơ hội cho đường “made in” Thái Lan

Việt Nam thường xuyên ở vị thế nước nhập khẩu ròng mặt hàng đường do năng lực sản xuất trong nước còn thấp, trong khi nhu cầu tiêu thụ đường ở trong nước có xu hướng ngày một gia tăng. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD), trong 2 năm 2013 - 2014, nhu cầu tiêu thụ đường hàng năm của Việt Nam tăng từ 1,69 triệu tấn/năm lên 1,74 triệu tấn/năm, trong khi sản lượng sản xuất giảm từ 1,59 triệu tấn/năm xuống còn 1,2 triệu tấn/năm. Với kết quả sản xuất, kinh doanh này, Việt Nam từ xuất khẩu ròng 73 ngàn tấn đường đã trở thành nước nhập khẩu ròng 315 ngàn tấn trong các năm 2015 - 2016.

Theo lộ trình cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ các nước ASEAN, đến năm 2020, thuế nhập khẩu mặt hàng đường sẽ phải giảm về 0%. Bên cạnh đó, đầu năm 2018, hạn ngạch nhập khẩu đường thô, đường trắng và đường tinh luyện trong khối ASEAN cũng sẽ được xóa bỏ. Do đây là hiệp định duy nhất Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch, nên dự báo sẽ tác động mạnh đến ngành đường trong thời gian sắp tới. Hiện nay, hầu hết các nước ASEAN đã thực hiện giảm thuế về 0% theo Hiệp định ATIGA cho mặt hàng đường, ngoại trừ Philippines (5%), Indonesia (5-10%) và Myanmar (0-5%), Campuchia và Việt Nam (5%).

Trong khối ASEAN, Thái Lan là nước có sản lượng đường lớn nhất, chiếm đến 62% sản lượng đường cả khu vực và cũng là quốc gia duy nhất xuất khẩu ròng mặt hàng này. Thị trường xuất khẩu đường của Thái Lan chủ yếu là các nước trong khu vực ASEAN, vì vậy, khi Hiệp định ATIGA quy định không giới hạn hạn ngạch nhập khẩu vào năm 2018 sẽ là động lực gia tăng xuất khẩu của nước này vào khối. Như vậy, với hiệp định này, ngành đường nước ta sẽ phải cạnh tranh trực tiếp với đường Thái Lan. 

Thách thức cho doanh nghiệp trong nước

Theo báo cáo phân tích ngành đường của Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS), biên lợi nhuận hoạt động (tỷ lệ lợi nhuận trước thuế và lãi vay trên doanh thu) của các công ty đường Việt Nam đều thấp hơn so với các doanh nghiệp (DN) từ Thái Lan. Cụ thể, 3 công ty hàng đầu là Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, Công ty CP Đường Biên Hòa và Công ty CP Mía đường Lam Sơn  đều có biên lợi nhuận quanh mức 6 - 9%. Trong khi đó, 3 công ty sản xuất đường hàng đầu Thái Lan là Buriram Sugar PCL, KTIS Group và MitrPhol Sugar Corporation đều có biên lợi nhuận hoạt động dao động ở mức từ 13 - 17%, cao hơn hẳn so với các DN Việt Nam. Chỉ có Công ty CP Mía đường Sơn La là có biên lợi nhuận cao hơn so với DN đường Thái Lan, tuy nhiên quy mô lại nhỏ. Điều này cho thấy DN Thái Lan có nhiều dư địa hơn DN Việt trong giảm giá bán.

Thực tế, chưa cần giảm giá bán thì đường Thái Lan cũng đã rẻ hơn đường Việt Nam. Trong báo cáo của FPTS cho biết, năm 2016, trong khi giá đường trắng RS của Thái Lan chỉ khoảng 10,5 triệu đồng/tấn, thì đường Việt Nam có giá gần 15,5 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, giá đường bán buôn của Thái Lan là 13.200 đồng/kg, cũng thấp hơn rất nhiều so với mức giá 15.496 đồng/kg của Việt Nam.

Để các DN đường trong nước có thể cạnh trạnh được với các DN của Thái Lan, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, DN trong nước cần giảm chi phí sản xuất, đổi mới công nghệ để tăng sản lượng, giảm giá thành. Đồng thời, tăng cường hoạt động chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm sau đường.

Chuyên đề