Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cải thiện rõ rệt

(BĐT) - Đánh giá xuyên suốt chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 8 năm qua do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, mỗi năm xu hướng cải thiện năng lực cạnh tranh của các tỉnh, thành phố càng rõ rệt hơn trước. Trong đó, PCI 2018 đạt mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện báo cáo năm 2005. Điều này mang lại sự tin tưởng và lạc quan cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) về triển vọng đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới.
VCCI trao kỷ niệm chương cho 4 tỉnh có thành tích đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2018. Ảnh: Quốc Tuấn
VCCI trao kỷ niệm chương cho 4 tỉnh có thành tích đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2018. Ảnh: Quốc Tuấn

Những bước tiến vượt bậc

“Phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu”

Ông Bành Ngọc Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định:

Sự quyết liệt của lãnh đạo là một trong những yếu tố thành công. Năm ngoái, sau khi có kết quả PCI, ngay lập tức lãnh đạo Tỉnh đã ngồi lại với các đơn vị, địa phương trong Tỉnh để phân tích, mổ xẻ từng chỉ số thành phần, phân định rõ thuộc trách nhiệm của ngành nào, lĩnh vực nào và ai phải chịu trách nhiệm.

Một trong những điểm cần tập trung cải thiện trong năm 2019 của tỉnh Nam Định là độ năng động của chính quyền và việc tiếp cận thị trường, từ đó thúc đẩy các sáng kiến để thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2018 là năm thứ 2 liên tiếp Quảng Ninh đứng đầu 63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng PCI. Một trong những dấu ấn của PCI 2018 là Hà Nội đã “lội ngược dòng” một cách ngoạn mục lên vị trí thứ 9, tăng 18 bậc so với năm 2017 và 41 bậc so với năm 2012. Trong đó, bước chuyển rõ rệt nhất là chất lượng của bộ phận một cửa trong đăng ký DN. Nếu như năm 2017, Hà Nội đứng cuối về chỉ số tiếp cận đất đai thì năm 2018, địa phương này đã có sự thay đổi lớn.

Mặc dù là nhóm đứng cuối bảng xếp hạng PCI 2018, nhưng điểm số của các tỉnh như Đắk Nông, Lai Châu, Bình Phước, Bắc Kạn... cũng có sự cải thiện đáng kể. Chẳng hạn như Đắk Nông, dù vẫn đứng ở vị trí cuối bảng, nhưng điểm số đã tăng 3 điểm so với kết quả năm trước.

Một điều đáng mừng nữa, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, đó là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt. Môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng hơn...

Chi phí không chính thức giảm nhưng vẫn ở mức cao

“Khuyến khích DN tham gia vào quá trình hoạch định chính sách”

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI, đại diện Nhóm nghiên cứu PCI 2018:

Kết quả PCI 2018 cho thấy, có 18% DN cho rằng họ được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách của chính quyền địa phương và trung ương. Do đó, một trong những vấn đề cần được cải thiện trong thời gian tới là các địa phương nên tăng cường tham vấn DN, khuyến khích, tạo điều kiện cho DN tham gia vào quá trình hoạch định chính sách.

Từ kết quả PCI 2018, VCCI khuyến nghị với các địa phương về một số vấn đề cần cải thiện trong thời gian tới như: chi phí thời gian, đào tạo lao động có chất lượng, môi trường cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền và lãnh đạo cấp tỉnh...

Đáng quan ngại nhất là chi phí không chính thức, tuy đã giảm so với năm 2017 nhưng vẫn còn ở mức cao. 58% DN trong nước cho biết vẫn còn bị nhũng nhiễu. 54% DN vẫn phải trả chi phí bôi trơn. Vẫn có tới 40% DN cho biết các tỉnh còn ưu tiên, ưu ái DN nhà nước và DN FDI hơn các DN tư nhân, nhất là trong tiếp cận đất đai, vốn, tài nguyên... Thủ tục hậu đăng ký kinh doanh vẫn là gánh nặng. Thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông vận tải...

Đánh giá cao PCI 2018, ông Daniel J. Kritenbrink - Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cam kết sẽ tiếp tục gia hạn Dự án PCI thêm 3 năm nữa, nhằm khuyến khích tính minh bạch của nền kinh tế Việt Nam, gia tăng đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế.    

“Rào cản về thủ tục hành chính là thời gian và cách trả lời”

Ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà Constrexim:

Về tổng thể, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 đã có sự tiến bộ trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, về cấp cơ sở, cần có sự cải tiến, thân mật, tận tình và đáp ứng kịp thời hơn cho DN. Có 2 vấn đề đặt ra đối với thủ tục hành chính hiện nay là thời gian và cách trả lời. Trả lời càng nhanh thì DN càng sớm có cơ hội bứt phá trên con đường hoạt động kinh tế. Trả lời càng rành rọt những vấn đề mà DN cần giải quyết thì giúp DN rút ngắn được thời gian chờ đợi.

Chuyên đề