Năm 2018 Lilama lỗ nặng 190 tỷ đồng, quý I lãi cao gấp 2 lần cùng kỳ

Công ty con của Lilama là Lisemco chịu lỗ tới 183 tỷ đồng trong năm 2018, tuy nhiên con số lỗ này của Lisemco vẫn chưa được kiểm toán.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Năm 2018 lỗ nặng 190 tỷ đồng

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama, UPCoM: LLM) đã công bốBCTC năm 2018 kiểm toán.

Theo đó, kết thúc năm 2018 Lilama đạt 13.363 tỷ đồng doanh thu thuần giảm gần 6.000 tỷ đồng so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp đạt 674,6 tỷ đồng giảm khoảng một nửa so với năm 2017. Mặc dù vẫn duy trì được nguồn thu từ hoạt động tài chính và cắt giảm 39% chi phí tài chính, tuy nhiên hoạt động liên doanh liên kết lỗ hơn 13 tỷ đồng và phải trang trải tới 602 tỷ đồng chi phí quản lý tăng 81% so với cùng kỳ khiến LLM báo lỗ ròng gần 190 tỷ đồng trong khi năm 2017 có lãi 267,5 tỷ đồng. Tại báo cáo kiểm toán riêng chưa hợp nhất, Lilama mẹ báo lãi gần 45 tỷ đồng giảm 44% so với năm 2017.

Không chỉ báo lỗ lớn trong năm 2018 mà kiểm toán còn đưa ra ý kiến về việc chưa thu thập được báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Lisemco là công ty con của Lilama, theo báo cáo tự lập thì công ty này báo lỗ 183 tỷ đồng trong năm 2018. Như vậy có thể thấy khoản lỗ lớn trong năm 2018 của Lilama có phần đóng góp lớn của Lisemco – Đây là một doanh nghiệp đã có 50 năm kinh nghiệm trong chế tạo cung cấp thiết bị, kết cấu thép cho các nhà máy công nghiệp và Đóng mới tàu.

Ngoài ra kiểm toán viên cũng nhấn mạnh về việc BCTC năm 2018 của Lilama đã bao gồm các điều chỉnh theo kết luận về quyết toán giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP tuy nhiên đến ngày phát hành báo cáo này các công việc liên quan đến quyết toán cổ phần hóa đang tiếp tục được thực hiện và tổng công ty chưa nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về phê duyệt quyết toán giá trị vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Bên cạnh đó Lilama đang có vướng mắc về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết và đã làm kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi chính sách tuy nhiên vẫn chưa có trả lời chính thức của cơ quan có thẩm quyền theo đó Ban TGĐ Tổng công ty chưa loại trừ chi phí lãi vay vượt mức quy định khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Tổng công ty xác định đây là khoản công nợ thuế tiềm tàng chưa chắc chắn.

Được biết năm 2018 LLM nhận định tình hình thị trường năm 2018 sẽ khó khăn khi khối lượng và giá trị công việc tại các dự án Lilama đang triển khai thi công không còn nhiều. Theo đó công ty đặt ra mục tiêu doanh thu 8.542,20 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 52 tỷ đồng trong năm 2018, giảm lần lượt 45,8% và 37,6% so với kết quả kinh doanh 2017.

Quý I/2019 lãi 28 tỷ đồng cao gấp 2 lần cùng kỳ

Lilama đã công bố BCTC riêng quý I theo đó doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.363 tỷ đồng giảm 59% so với cùng kỳ, lãi gộp cũng chỉ đạt gần 12 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt hơn 103 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động tài chính thu về gần 165 tỷ đồng doanh thu trong đó có tới 146 tỷ đồng là thu nhập từ bán các khoản đầu tư cao gấp gần 8 lần cùng kỳ nên sau khi trừ các khoản chi phí Lilama báo lãi 28,6 tỷ đồng tăng cao gấp hơn 2 lần so với quý I/2018.

Lilama thông báo trong 3 tháng đầu năm 2019 đã tiến hành thoái vốn xong tại hàng loạt công ty như CIMAS, Lilama 69.2, Lilama 10, Lilama 69.3, Lisemco, Lilama 69.1 và Lilama 18. Đây là việc thoái vốn theo chủ trương của Bộ Xây dựng về đề án tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và Nghị quyết HĐQT công ty.

Hiện Lilama vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chương trình tổ chức và tài liệu của ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 nên Tổng công ty đã thông báo lùi thời gian chốt quyền tham dự đại hội sang đến ngày đăng ký cuối cùng là 27/05/2019.

Trên thị trường, LLM có thanh khoản khá yếu. Kết thúc phiên giao dịch 22/5, LLM đứng giá ở mức 21.800 đồng/cổ phiếu nhưng chỉ có 70 đơn vị được khớp lệnh trong 10 phiên giao dịch gần đây.

Chuyên đề