Muốn có doanh nghiệp công nghệ cần tạo ra thị trường

(BĐT) - Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình cần làm chủ công nghệ, quản lý, có năng lực phát minh ra những công nghệ mới, đi đầu trong thiết kế, sản xuất chất lượng cao. Trong đó, doanh nghiệp (DN) công nghệ là hạt nhân để Việt Nam thực hiện khát vọng dân tộc “hóa rồng”. Muốn có DN công nghệ thì cần phải tạo ra thị trường, tháo gỡ các rào cản, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố như vậy tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ Việt Nam diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ bài toán của thành phố lớn cần doanh nghiệp Việt Nam giải quyết bằng công nghệ. Ảnh: Ngọc Minh.
Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chia sẻ bài toán của thành phố lớn cần doanh nghiệp Việt Nam giải quyết bằng công nghệ. Ảnh: Ngọc Minh.

Vẫn còn nhiều rào cản với DN công nghệ

Hiện nay, thương mại trên nền tảng số tại Việt Nam đạt con số là 3,5 tỷ USD. Việt Nam có khoảng 50.000 DN hoạt động trong lĩnh vực ICT. Mục tiêu mà Việt Nam đặt ra trong thời gian tới là 100.000 DN ICT. Bên cạnh đó, lượng người sử dụng Internet cao. Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam.

Đánh giá về lợi thế của các DN công nghệ Việt Nam hiện nay, theo ông Trần Việt Hùng - Chủ tịch HĐQT - người sáng lập GotIt, đó là nguồn nhân lực trẻ, đội ngũ kỹ sư có nhiều tiềm năng nếu được đào tạo tốt. Chi phí rẻ so với mặt bằng chung của khu vực. Nhiều người Việt đang làm việc ở các tập đoàn công nghệ lớn và sẵn sàng về Việt Nam khởi nghiệp.

Khảo sát về tính sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp 4.0, ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam còn khá non trẻ (xếp hạng 4.9, đứng sau nhiều nước như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore...), nhưng Việt Nam đang có sự chuyển dịch, hướng đến nhóm các nước trong nhóm sẵn sàng đón đầu kinh tế số. Cụ thể, Việt Nam đạt mức tương đối tốt so với 100 quốc gia được đánh giá theo 59 tiêu chí. Tuy nhiên, Việt Nam có xếp hạng thấp nhất ở lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.

Để phát triển DN công nghệ, theo ông Hùng, Việt Nam còn thiếu vắng từ đội ngũ lãnh đạo công nghệ kỳ cựu với kinh nghiệm thị trường toàn cầu, cho đến đội ngũ quản lý sản phẩm, đội ngũ thiết kế sản phẩm phù hợp với người dùng ở nhiều thị trường bên ngoài Việt Nam. Nhiều kỹ sư phần mềm đang chủ yếu làm gia công thay vì sáng tạo ra những sản phẩm phần mềm mới, và chưa sử dụng thành tạo tiếng Anh.

Mặc dù trong thời gian qua, người dân và DN khởi nghiệp tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một phong trào, nhưng cũng có không ít trường hợp DN vẫn đang loay hoay vì thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu thị trường... Hiện tượng có một số DN khởi nghiệp chỉ chăm chăm “ăn xổi”, thay vì tạo ra giá trị bền vững, đang làm giảm đi niềm tin từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đối với thị trường Việt Nam.

Nhưng khó khăn được nhiều DN phản ánh nhất chính là rào cản về thủ tục hành chính. Ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc điều hành của Công ty Ominext JSC chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu bên lề Diễn đàn rằng, gần 1 năm nay, DN vẫn loay hoay chưa biết đi đâu, gặp ai, gõ cửa nào và cần thực hiện những thủ tục gì, mặc dù Ominext đã khởi nghiệp thành công tại Nhật Bản. DN hỏi ai cũng không biết. Còn ở Nhật Bản – một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, họ luôn có đầu mối để hỗ trợ cho những DN khởi nghiệp, từ cấp quận, huyện cho tới các cơ quan trung ương. Từ đó, DN dễ dàng biết mình cần làm gì.

Trong khi đó, theo cảnh báo của ông Hùng, sức ép cạnh tranh từ những DN khởi nghiệp trong khu vực đang phát triển rất nhanh là mối đe dọa hiện hữu. Nếu Việt Nam chậm chân, thì họ sẽ chiếm hết thị phần và nhân tài.

Cần có chiến lược phát triển DN công nghệ rõ ràng

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc phát triển công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Nếu nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, Việt Nam sẽ tiến cùng thời đại. Nhận thức này cần được biến thành hành động, tháo gỡ rào cản cho các doanh nghiệp công nghệ phát triển”.

Do đó, Thủ tướng giao các bộ liên quan sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia, chiến lược phát triển DN công nghệ trình Chính phủ ban hành nhằm tạo thị trường cho các DN công nghệ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai phát triển công nghệ. Việt Nam cần xây dựng và tuyên bố dứt khoát chiến lược để cho các DN công nghệ phát triển tốt hơn.

“Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ, chủ động trong sản xuất. Đó chính là tuyên bố của chúng ta công bố hôm nay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm của DN mình, ông Trần Việt Hùng – Giám đốc điều hành GotIt (Top 10 ứng dụng Giáo dục tại Apple App Store Mỹ và đã từng đứng thứ 2 chỉ sau iTunesU) cho rằng, trong quá trình khởi nghiệp, DN phải xác định rõ mục tiêu hướng tới là sản phẩm và thị trường toàn cầu, thu hút và sử dụng nhân tài ở cả trong và ngoài nước, đặc biệt là chuyên gia người Việt đang hoạt động ở nước ngoài...

Theo ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty VCCorp, hiện có nhiều DN muốn làm công nghệ nhưng chưa dám làm. Do đó, để khuyến khích DN công nghệ của Việt Nam phát triển, cần phải coi ngành nội dung số là ngành kinh tế trọng điểm, coi trọng các công ty Việt phục vụ cho thị trường Việt Nam và các công ty có tiềm năng xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ trọn gói ra quốc tế.

Thực tế, để sản xuất các sản phẩm công nghệ, đòi hỏi chi phí khá lớn, lợi nhuận thu hồi lâu. Do đó, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch HĐQT Công ty Vinfast cho rằng, rất cần những sự hỗ trợ từ Nhà nước. Nhà nước cần có sự thúc đẩy, tạo động lực và thậm chí là buộc những DN phải chuyển đổi số.

Chuyên đề