Minh bạch hoạt động doanh nghiệp thời hội nhập

(BĐT) - Những ngày đầu tháng 6/2017, hàng loạt cá nhân, tổ chức bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt liên quan đến việc giao dịch chứng khoán không tuân thủ đúng các quy định về công bố thông tin. 
Việc công bố thông tin của các công ty đại chúng được khởi đầu từ những năm 2000. Ảnh: Lê Tiên
Việc công bố thông tin của các công ty đại chúng được khởi đầu từ những năm 2000. Ảnh: Lê Tiên

Đây dường như là chuyện “cơm bữa” trên thị trường chứng khoán kể từ khi các quy định về quản trị công ty và công bố thông tin được Chính phủ, Bộ Tài chính… ban hành. Không chỉ nhóm đối tượng công ty đại chúng, các khu vực doanh nghiệp và đơn vị công lập khác cũng phải thực hiện công khai. Việc công bố thông tin ngày càng hoàn thiện hướng đến một nền kinh tế thị trường công khai và minh bạch.

Hoàn thiện thể chế về công bố thông tin cho các doanh nghiệp

Sau 20 năm thị trường chứng khoán đi vào hoạt động, việc công bố thông tin đối với thành viên thị trường, nhà đầu tư đã dần đi vào khuôn khổ. Khởi đầu là các doanh nghiệp niêm yết tập trung, về sau đã mở rộng ra các công ty đại chúng chưa niêm yết, có quy mô lớn… Sau khi Luật Chứng khoán được ban hành, hàng loạt nghị định, thông tư được ban hành hướng đến việc công bố thông tin minh bạch. Theo Thông tư số 155/2015/TT-BTC quy định hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, đối tượng công bố thông tin đã được mở rộng đến các công ty đại chúng thêm đối tượng là cổ đông nội bộ, cổ đông lớn…

Nếu việc công bố thông tin của các công ty đại chúng được khởi đầu từ những năm 2000 thì việc công bố thông tin của khối doanh nghiệp nhà nước mới được thực hiện từ năm 2014. Ngày 18/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg về quy chế công bố thông tin của công ty trách  nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, các công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu phải công bố công khai một số thông tin liên quan đến hoạt động như: công bố báo cáo tình hình hoạt động hàng năm; báo cáo tài chính; công bố về chiến lược, kế hoạch phát triển doanh nghiệp; công bố kế hoạch sản xuất, đầu tư hàng năm; kết quả sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; báo cáo thực trạng quản trị; công bố tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp…

Ngày 16/4/2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã ban hành Thông tư số 2/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về việc công bố thông tin của công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, Thông tư hướng dẫn chi tiết các nội dung, biểu mẫu thống nhất để doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, do mới dừng ở cấp độ Quyết định và Thông tư dẫn tới việc các doanh nghiệp không thực hiện nghiêm túc quy định về công bố công khai thông tin.

Do đó Bộ KH&ĐT đã tham mưu trình Chính phủ nghị định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước. Ngày 18/9/2015, Nghị định số 81/2015/NĐ-CP  của Chính phủ về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành và có hiệu lực đến thời điểm hiện tại. Nghị định đã cụ thể hoá các quy định về yêu cầu công bố thông tin tại Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; tạo ra khung pháp lý chung, thống nhất về việc công bố thông tin hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản trị hiện đại và cam kết hội nhập quốc tế.

Hướng tới nền kinh tế thị trường, không chỉ các công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước, nhiều cơ quan nhà nước cũng thực hiện công bố thông tin công khai minh bạch. 

Cần mở rộng đối tượng công bố?

Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hoạt động đã thực hiện công khai thông tin như: đấu thầu, đấu giá. Không ít lĩnh vực trước đây thuộc phạm vi hạn chế thông tin, đến nay cũng được công bố công khai như nợ công, quản lý công sản, giải quyết các thủ tục hành chính, các đối tượng vi phạm chính sách thuế… góp phần gia tăng sự giám sát của công chúng.
Hoạt động của khối doanh nghiệp hiện nay còn có các doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Dường như hoạt động của các doanh nghiệp này vẫn trong vòng “bí ẩn” mặc dù có số vốn khủng và doanh thu lớn hàng năm.

Không ít ý kiến cho rằng, để gia tăng sức mạnh giám sát các đối tượng doanh nghiệp tư nhân có lợi ích của nhiều người cần có quy định yêu cầu công khai thông tin. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam cho rằng, hiện nay đã có quy định công khai đối với khối doanh nghiệp là công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa nhưng không là công ty đại chúng và chưa lên sàn chứng khoán tập trung. Những đơn vị này tuân thủ rất kém quy định về công bố thông tin. Ngoài ra, hàng loạt cơ sở y tế, giáo dục quy mô lớn có ảnh hưởng lớn tới lợi ích của đông đảo người dân cũng cần công khai thông tin để tăng cường sự giám sát. Muốn yêu cầu công khai thông tin, trước hết cần chuyển đổi hoạt động của các đơn vị này sang mô hình doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia kinh tế cho rằng, khu vực tư nhân hiện nay đã yêu cầu công bố thông tin hoạt động đối với doanh nghiệp trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm do ảnh hưởng tới lợi ích người gửi tiền, người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, cần nghiên cứu mở rộng đối tượng công bố đối với doanh nghiệp có quy mô lớn, tác động đến nhiều người.

Nói về ý nghĩa của việc công khai, minh bạch thông tin của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, nó sẽ tác động ngược trở lại đối với hoạt động quản trị doanh nghiệp. Theo đó, lãnh đạo các doanh nghiệp sẽ phải thận trọng hơn trong việc ra quyết định, bởi nếu không cân nhắc kỹ, các quyết định có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và hình ảnh người đứng đầu doanh nghiệp khi thông tin được công bố công khai. Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, việc công khai thông tin có thể góp phần hạn chế tình trạng tham nhũng và lãng phí. Tuy nhiên để những quy định về công khai thông tin đối với khối doanh nghiệp này phát huy hiệu quả tốt nhất, cần chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn khi các doanh nghiệp không tuân thủ.

Chuyên đề