Mập mờ tăng lương tối thiểu và bảo hiểm xã hội 2016

Đến nay, hơn 3 tháng kể từ thời điểm các quyết định về điều chỉnh mức lương tối thiểu và đóng BHXH bắt buộc có hiệu lực, song phần lớn các đơn vị còn mập mờ, thậm chí né tránh.
Đã 3 tháng từ quyết định tăng lương tối thiểu vùng 2016 và điều chỉnh quy định đóng BHXH mới bắt buộc có hiệu lực, song nhiều DN vẫn mập mờ, né tránh. Ảnh: Anh Tuấn.
Đã 3 tháng từ quyết định tăng lương tối thiểu vùng 2016 và điều chỉnh quy định đóng BHXH mới bắt buộc có hiệu lực, song nhiều DN vẫn mập mờ, né tránh. Ảnh: Anh Tuấn.

Từ ngày 1/1/2016, doanh nghiệp (DN) phải tăng lương tối thiểu vùng cùng lúc với điều chỉnh mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động. Việc này khiến sức ép của DN tăng lên, nhiều đơn vị than khó. Và thực tế đến thời điểm này, có DN vẫn chưa thực hiện đầy đủ cho người lao động.

Anh Đào Quang Thành, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH HOEV (Khu công nghiệp Thăng Long), cho biết, việc điều chỉnh mức lương và BHXH cho hơn 100 công nhân của công ty mất khá nhiều thời gian. Bởi đơn vị phải xây dựng lại toàn bộ thang bảng lương, đặc biệt với những lao động có thâm niên. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh cũng có ảnh hưởng nhất định tới quỹ chung và nguồn vốn của DN.

"Đối với những đơn vị sử dụng nhiều lao động, thực hiện tốt việc tăng lương cho người lao động đã là một điều không dễ dàng. Trong khi đó, lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2016 lại trùng với thời điểm thay đổi mức đóng - hưởng BHXH, khiến áp lực với giới chủ càng lớn hơn", anh Thành cho hay.

Hiện tại đơn vị anh Thành chỉ có công nhân mới được xét tăng lương từ 1/1/2016 theo quy định. Số còn lại là nhân viên, cán bộ tới tháng 4 mới tới kỳ xét tăng và áp dụng tăng theo quy định.

Với vai trò người đứng giữa, anh Thành cho biết, nguyên vọng của công nhân luôn mong muốn lương cao hơn. Song giới chủ lại tỏ ra mệt mỏi, bởi lương trả người lao động tăng, các chi phí nguyên liệu ngày một cao, trong khi giá sản phẩm xuất ra vẫn đứng im, thậm chí là giảm.

Bà Nguyễn Thị Hảo, Giám đốc Công ty sản xuất và thương mại Haco,Vĩnh Phúc, cho rằng tháng đầu tiên thực hiện việc tăng lương tối thiểu trùng với thời điểm Tết Nguyên đán gây áp lực cho DN. Bên cạnh công tác cuối năm, DN phải cân đối lo thưởng Tết cho người lao động, kéo theo việc thực hiện tăng lương tối thiểu, điều chỉnh mức đóng BHXH bị gián đoạn.

"Để có thưởng Tết tươm tất cho công nhân, chúng tôi đã mất một khoản không nhỏ từ quỹ lương. Hiện tại, đơn vị đang tính toán để có thể thực hiện quy định này một cách sớm nhất. Song cũng khó nói trước được thời điểm bắt đầu”, bà Nguyễn Thị Hảo cho hay.

Trước những khó khăn trên, không ít đơn vị tìm cách "lách luật" bằng cố tình trì hoãn tăng lương, có tăng nhưng cắt giảm phụ cấp hoặc quy vào khoản thường để né BHXH. Theo Bộ LĐ-TB&XH, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, đã có gần 50 cuộc đình công, tranh chấp lao động. Phần lớn các tranh chấp này liên quan tới vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu năm 2016, việc thanh toán lương, thưởng của người lao động và việc thực hiện các chính sách của DN khi nâng lương, thanh toán phụ cấp, phúc lợi.

Đơn cử như vụ việc diễn ra vào ngày 21/1, hàng nghìn công nhân đình công tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, vì cho rằng Công ty sợi Tainan Việt Nam tăng lương chưa thỏa đáng.

Tình trạng này lặp lại sau đó tại Công ty Nissey (TP HCM), vì công nhân cho rằng đơn vị này đối phó với quy định tăng lương tối thiểu vùng bằng cách tăng lương 248.000-268.000 đồng/tháng/công nhân, nhưng lại giảm phụ cấp 200.000 đồng/tháng/công nhân...

Thậm chí, mới đây, báo Tuổi Trẻ còn đưa tin về một DN ở Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát hành văn bản hướng dẫn nhân viên né đóng BHXH. Theo hướng dẫn, khi ký đồng lao động chính thức, cán bộ nhân viên không có nhu cầu đóng BHXH, công ty sẽ hỗ trợ 50% bảo hiểm mỗi tháng.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân thừa nhận, các điều chỉnh tăng lương tối thiểu và BHXH mới làm tăng sức ép cho DN. Song việc thực hiện đều có lộ trình nên các DN cần có điều chỉnh và giải quyết thỏa đáng.

Thời gian gần đây, trong khi nhiều DN còn chưa thực hiện tăng lương tối thiểu 2016 và BHXH mới bắt buộc thì Bộ LĐ-TB&XH đã đang chuẩn bị cho kỳ xét tăng lương mùa 2017. Song theo Thứ trưởng Huân, việc điều chỉnh lương các năm sắp tới sẽ khó khăn hơn nhiều, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập. Do đó, các bên cần tăng cường thảo luận và đối thoại để tìm ra giải pháp hài hòa để nâng cao đời sống của người lao động, mặt khác tính tới yếu tố khả năng thực tế doanh nghiệp, thậm chí phải tính thêm cả yếu tố cạnh tranh quốc gia.

Chuyên đề