Liên danh 3 nhà thầu trúng gói thầu “bị tố” ở Sở GTVT Hà Nội

(BĐT) - Ban Quản lý dự án giao thông 2 (BQLDA GT2) thuộc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội vừa thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02: “Thi công xây lắp và đảm bảo giao thông công trình” thuộc Dự án Đầu tư xây dựng cầu Mỹ Hòa (cầu Bột Xuyên) vượt sông Đáy qua địa bàn huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa.

Theo thông báo này, Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Đông Hưng - Công ty CP Xây dựng công trình công nghệ cao Thăng Long - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hưng Phát đã được lựa chọn để xây dựng công trình với giá trúng thầu là 92,16 tỷ đồng (giá gói thầu là 92,2 tỷ đồng).

Gói thầu trên do Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án giao thông 2 làm bên mời thầu, nhà thầu tư vấn là Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Hà Nội.

BQLDA GT2 cho biết, Gói thầu được lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Có 20 nhà thầu tới mua hồ sơ mời thầu (HSMT), tuy nhiên chỉ có 4 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) theo đúng quy định. Cụ thể, 4 nhà thầu này gồm: Liên danh TNHH Thái Sơn - Công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Javiko (địa chỉ tại số nhà 1, tổ dân phố 12, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên, tỉnh Điện Biên); Công ty CP Cầu đường Long Biên (địa chỉ: số 09, tổ 12, phường Long Biên, quận Long Biên, TP. Hà Nội); Công ty  TNHH MTV Xây dựng 99 (địa chỉ: km 182+350 đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, TP. Hà Nội); Liên danh Công ty CP Đầu tư phát triển Đông Hưng - Công ty CP Xây dựng công trình công nghệ cao Thăng Long - Công ty CP Xây dựng và Thương mại Hưng Phát (địa chỉ tại khu đô thị Xuân Phương, Xuân Phương, Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).

Để đảm bảo tiến độ Dự án, dự kiến công trình sẽ được khởi công vào tháng 12/2016.

Trước đó, liên quan đến Gói thầu số 02, nhà thầu đã có phản ánh tới Báo Đấu thầu về việc HSMT của Gói thầu đưa ra một số tiêu chí làm khó nhà thầu. Đặc biệt, nhà thầu nhấn mạnh đó là những điều kiện “rất vô lý” hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Cụ thể, HSMT yêu cầu, nhà thầu phải đảm bảo 100% nhân sự bao gồm 9 kỹ sư và 50 công nhân có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tham gia bảo hiểm xã hội (thời gian xác nhận đến ngày 31/8/2016). Thậm chí, HSMT còn yêu cầu bắt buộc nhà thầu phải sở hữu một số thiết bị thi công.

“Quy định như HSMT Gói thầu trên trong trường hợp này là không cần thiết và có thể làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu”, một chuyên gia đấu thầu nêu quan điểm. Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, trong HSMT không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Pháp luật về đấu thầu không có quy định về tiêu chí đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, mà chỉ yêu cầu nhà thầu kê khai nhân sự dự kiến huy động có năng lực, kinh nghiệm phù hợp với vị trí đảm nhiệm, đáp ứng yêu cầu của HSMT, hồ sơ yêu cầu.

Các chuyên gia về đấu thầu cũng cho rằng, quy định nhà thầu bắt buộc phải sở hữu một số thiết bị thi công là làm khó nhà thầu, vì theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập HSMT xây lắp thì thiết bị thi công thuộc sở hữu của nhà thầu hoặc nhà thầu có thể đi thuê nhưng phải chứng minh khả năng huy động để đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Trường hợp đi thuê, nhà thầu phải có hợp đồng thuê thiết bị và tài liệu chứng minh thiết bị thuộc sở hữu của bên cho thuê.       

Chuyên đề