Ký kết hợp tác tổ chức Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 7

(BĐT) - Ngày 15/6, tại Hà Nội, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội và Công ty TNHH Reed Tradex với sự hỗ trợ Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) và Hiệp hội Công nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) đã tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác tăng cường nội địa hóa, củng cố vững chắc ngành công nghiệp hỗ trợ và nắm bắt Hiệp định Công nghệ Thông tin ITA.
Ký kết hợp tác tổ chức Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 7

Theo thỏa thuận hợp tác, ngày 13 – 15/9, NEPCON Việt Nam 2017 sẽ tiếp tục quay trở lại Hà Nội với trọng tâm là trưng bày linh kiện điện tử SMT, công nghệ và thiết bị kiểm tra. Triển lãm với sự có mặt của những nhà cung cấp công nghệ hàng đầu của ngành công nghiệp điện tử như Techvalley, Sinfonia, Juki, Wkk, Sip, Hibex và Lintec, các nhà trưng bày sẽ giới thiệu các giải pháp sản xuất điện tử nổi bật của họ tại sự kiện lần này.

Bên cạnh việc kết hợp tổ chức cùng triển lãm NEPCON Vietnam 2017, nhà tổ chức - Reed Tradex cũng muốn tập trung vào việc hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất điện tử thông qua "Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ 2017" đồng tổ chức với "Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 7 " do JETRO Hà Nội tổ chức. Đây là nền tảng cung ứng, nơi các nhà sản xuất Nhật Bản gặp gỡ các nhà sản xuất phụ tùng của Việt Nam để thắt chặt cơ hội kinh doanh và mối quan hệ giữa những đơn vị tích cực tham gia. Ba triển lãm đồng tổ chức sẽ "tăng gấp ba" cơ hội kinh doanh và tăng chỉ số nội địa hoá cho ngành điện tử ở Việt Nam. Triển lãm với sự tham gia của hơn 200 thương hiệu hàng đầu, từ 20 quốc gia và bao gồm 7 gian hàng quốc tế từ các quốc gia công nghệ hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Đài Loan.

Là đơn vị đồng tổ chức Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản lần thứ 7 tại Hà Nội, ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện của JETRO tại Hà Nội cho biết, tỷ lệ nội địa hoá thấp của nguyên liệu và phụ tùng tác động kìm hãm mức tăng trưởng của Việt Nam. “Mức độ nội địa hóa nguyên liệu, linh kiện và phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam rất thấp, chỉ có 34%, trong khi của Trung Quốc là 68%, Thái Lan là 57%. Do đó, các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước láng giềng như Thái Lan, Trung Quốc. Đây là nguyên nhân gây ra sự gia tăng chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp" – ông Hironobu Kitagawa nói.

Chuyên đề