Kinh doanh liêm chính để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN

(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp (DN) chủ động chi trả chi phí không chính thức để nhanh được việc khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan công quyền vô hình trung đã biến DN thành kẻ tiếp tay cho hành vi tham nhũng. Không những thế, uy tín và danh tiếng của DN sẽ ngày càng bị giảm sút, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng...
Nhiều DN chủ động chi trả chi phí không chính thức để nhanh được việc khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan công quyền. Ảnh: Tường Lâm
Nhiều DN chủ động chi trả chi phí không chính thức để nhanh được việc khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan công quyền. Ảnh: Tường Lâm

DN vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân gây ra tham nhũng

Tại buổi hội thảo "Thúc đẩy Xây dựng môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam thông qua hành động tập thể" diễn ra ngày 12/4 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Xã hội (CENSOGOR) cho rằng, DN đóng vai trò “mắt xích kép”, vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng. Kết quả PCI 2016 vừa được VCCI công bố cho thấy, có tới 66% DN trong nước thừa nhận đã trả chi phí không chính thức và 59% DN FDI phải trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục hải quan. Và theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) 2016 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), 38% người dân Việt Nam được hỏi cho rằng, hình ảnh lãnh đạo DN đang bị đi xuống và là một trong 3 nhóm đối tượng tham nhũng cao nhất (nhóm cán bộ thuế là 48%, nhóm cảnh sát là 57%), tăng 5% so với năm 2013 (33%).

Theo bà Lê Bích Loan, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng nguyên nhân của tình trạng trên đến từ cả hai phía, khu vực công và khu vực tư. Một số công chức đã đưa ra những gợi ý về chi phí không chính thức để giải quyết nhanh gọn thủ tục. Trong khi đó, không ít DN cũng chủ động lựa chọn chi trả chi phí “bôi trơn” để nhanh được việc. Thực tế đã có nhiều DN sẵn sàng chi trả không chính thức để được đánh giá là “đủ tiêu chí” được vào khu công nghệ cao TP.HCM. Nhưng nếu để lọt những DN này, chắc chắn uy tín của các khu công nghệ cao sẽ ngày càng giảm sút. Bởi vì môi trường kinh doanh minh bạch và ít rủi ro tham nhũng là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà đầu tư vào khu công nghệ cao, đặc biệt là các tập đoàn lớn đa quốc gia, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về hạ tầng, nguồn nhân lực tốt...

Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng thư ký VCCI cho rằng, việc chi trả chi phí “bôi trơn” của DN đang tiếp tay cho hành vi tham nhũng. Theo ông Vinh, chỉ khi làm theo bộ quy tắc ứng xử chung văn minh, liêm chính khi đó DN mới có thể cùng Chính phủ tạo dựng môi trường liêm chính minh bạch được.

Dưới góc nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, ông Peter Angelo Perfecto, Phó chủ tịch phục trách Hoạt động, Sáng kiến Liêm chính Philippines cho rằng, khoản chi phí mà DN chi trả một lần đó tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng về lâu dài, họ sẽ phải gánh chịu những thiệt hại lớn hơn nhiều, uy tín và hình ảnh các DN sẽ ngày càng xấu đi. Và nhìn rộng hơn, tình trạng tham nhũng còn đe dọa tới sự phát triển bền vững của nền kinh tế, tác động xấu tới đời sống xã hội.

Kinh doanh liêm chính – cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh DN

Bà Viễn cho rằng, Việt Nam hiện có nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam ngày càng sâu rộng với nhiều cam kết FTAs được ký kết, tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN... Xu hướng lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư đang ngày càng gia tăng, từ mức 31% năm 2015 lên 40% năm 2016. Hơn nữa, theo khảo sát của Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu TI/TT 2013, 48% người dân Việt Nam sẵn sàng mua hàng hóa, dịch vụ từ các công ty “sạch”. Do đó, Việt Nam cần phải có giải pháp triệt để nhằm đón đầu và tận dụng tối đa xu hướng, cơ hội này. Hành động tập thể là một giải pháp phòng chống tham nhũng (PCTN) hiệu quả đã được kiểm nghiệm tại nhiều quốc gia và Việt Nam. Tuy nhiên, bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng, những hành động đơn lẻ sẽ không dập tắt được tham nhũng. Do đó, cần có hành động tập thể, liên kết giữa các DN.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, trong những năm gần đây, hành động tập thể thúc đẩy DN thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm của các bên liên quan, từ DN, cơ quan chính phủ đến các tổ chức xã hội. Nhiều DN tham gia PCTN ở phạm vi nội bộ DN thông qua các chương trình kiểm soát nội bộ và tuân thủ. Giảm thiểu chi phí tham nhũng, bảo vệ thương hiệu, danh tiếng của công ty và cải thiện chất lượng chuỗi cung ứng là các nhân tố chính để DN phát triển và duy trì liêm chính trong kinh doanh. Do đó, vai trò của DN tham gia thúc đẩy liêm chính cần được tăng cường trong thời gian tới, kiên quyết bài trừ vấn nạn “văn hóa hoa hồng”. Việc đưa vào Dự thảo Luật PCTN đang sửa đổi một chương mới về vai trò của DN trong PCTN đã cho thấy rõ tầm quan trọng này.

Còn về phía khu vực công, nhiều chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện ở việc 80% địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện, mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục hành chính về thuế... được gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phi tham nhũng ngày càng trở nên cấp thiết và cần triển khai mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Ngoài ra, bà Viễn còn khuyến nghị, bên cạnh hai chủ thể nêu trên, cần có sự tham gia của xã hội dân sự trong việc giám sát thực hiện các cam kết, ràng buộc thực thi. Chẳng hạn như trong hợp đồng trao thầu cần có điều khoản cam kết về PCTN và có sự tham gia của bên thứ ba, ngoài chủ đầu tư và nhà thầu.

Chuyên đề