Không để xảy ra lỗ hổng trong cổ phần hóa

(BĐT) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, diễn ra ngày 21/11 tại Hà Nội.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: VGP

Đảm bảo không thất thoát vốn, tài sản nhà nước

Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tiến độ cổ phần hóa năm 2016 - 2017 chậm, đặc biệt là tại TP.HCM, một trong những nguyên nhân đáng chú ý là việc chấp hành chỉ đạo chưa nghiêm, còn tâm lý e ngại và sợ mất vị trí, tư tưởng yên vị làm kìm hãm tiến độ đổi mới tại một số DN. Đồng thời, vẫn còn tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân.

Từ những tồn tại nêu trên, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc cổ phần hóa, chấp hành quy định của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ. Đến năm 2020, xử lý xong việc thoái vốn tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ, tập trung xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ, bảo đảm việc cơ cấu lại không làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát chặt chẽ các phương án cổ phần hóa của DNNN, xử lý nghiêm các DN đã cổ phần hóa mà không niêm yết trên sàn chứng khoán. "Không để có những lỗ hổng, vi phạm trong cổ phần hóa xảy ra, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên", Thủ tướng chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu công tác thanh tra, kiểm tra phải chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo DN hoạt động bình thường. Thanh tra, kiểm tra phải đặt mục tiêu để DN hoàn thiện, phát triển tốt hơn. Trong việc điều tra, khởi tố cần tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

“Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ về thể chế để tạo điều kiện cho các thành phần phát triển, trong đó có DNNN. Mong rằng lực lượng này sẽ phát huy tốt vai trò đầu tàu của mình, dẫn dắt nền kinh tế, tạo ra nhiều DN lớn mạnh cho Việt Nam”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị cần đánh giá thực chất kết quả cơ cấu lại DNNN khi Nhà nước vẫn còn nắm giữ khoảng 90% vốn điều lệ tại gần 600 DNNN song hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.

Về thể chế, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mặc dù hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ, toàn diện, nhưng còn nhiều quy định còn chưa thật phù hợp. Về tổ chức thực hiện, đây là khâu yếu nhất, trực tiếp liên quan đến lãnh đạo DN và các bộ, ngành, địa phương. “Thực tế cho thấy, cùng một chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, làm mãi không xong, đùn đẩy trách nhiệm nên kéo dài. Chúng ta phải quyết tâm vượt qua tư duy cũ, quyết tâm nói không với tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm. Đây cũng là một nguyên nhân chính cản trở quá trình cơ cấu lại DNNN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chú trọng chất lượng hơn số lượng

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) kiến nghị một số giải pháp để nâng cao hiệu quả, chú trọng chất lượng thay vì số lượng trong quá trình tái cơ cấu DNNN.

Về hiệu quả hoạt động của các DN, Viện trưởng CIEM cho rằng, với tư cách là chủ sở hữu, Chính phủ cần thông qua Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN giao các tập đoàn, tổng công ty những nhiệm vụ và chỉ tiêu để chỉ những người nỗ lực tối đa mới có thể hoàn thành. “Với tư cách là chủ sở hữu, chúng ta không nên chấp nhận mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn lãi suất cho vay, mà ít nhất phải hơn 2 lần lãi suất cho vay. Mục tiêu này gây áp lực buộc dòng vốn nhà nước phải đầu tư vào những DN làm ăn có hiệu quả, mà không đầu tư tràn lan. Đây là điều cần làm để định hướng lại nguồn vốn đầu tư vào DNNN. Làm được như vậy thì có thể kỳ vọng, sau vài năm nữa chúng ta mới có thể có tập đoàn kinh tế lớn sánh vai với các nước trong khu vực và thế giới”, ông Cung nói.

Về điều kiện kinh doanh, điều đáng quan tâm là hệ thống pháp luật hiện nay chưa thật sự tạo thuận lợi và sự chủ động cho DNNN trong hoạt động kinh doanh. Do đó, TS. Nguyễn Đình Cung đề nghị cần kịp thời ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể để DN tự chủ thực hiện theo đúng quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động thật sự.

Cùng đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) kiến nghị Chính phủ cần kiên định lập trường về chính sách. Theo đó, những chủ trương đã đề ra nên được thực hiện một cách nhất quán và xuyên suốt để DN yên tâm thực thi.

“Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Chính phủ khi có chính sách pháp luật mới thì cần có hướng dẫn kịp thời và đầy đủ để có cơ sở cho các DN thực hiện. Tránh tình trạng văn bản hướng dẫn chậm khiến DN phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần, làm mất thời gian và mất cơ hội kinh doanh”, ông Chi nhấn mạnh.

Chuyên đề