Khi Nhà nước ra tay “cứu” doanh nghiệp

(BĐT) - Điều cần thiết không phải là Nhà nước ra tay với từng trường hợp cụ thể, mà là cần một cơ chế, một sân chơi chung thực sự lành mạnh.
Đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân khiến HAGL rơi vào nợ nần. Ảnh: Lê Gia
Đầu tư dàn trải là một trong những nguyên nhân khiến HAGL rơi vào nợ nần. Ảnh: Lê Gia

Doanh nghiệp nào cũng có quyền được… ưu ái?

Sáng ngày 17/5/2016, thông tin Ngân hàng Nhà nước thống nhất trình Chính phủ phương án tái cơ cấu nợ cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nhanh chóng thổi bùng con sóng trên thị trường chứng khoán. Cổ phiếu HAG của HAGL cùng HNG của công ty con (HAGL Agrico) trắng bên bán, đóng cửa tăng trần trong phiên giao dịch 17/5. Thông tin này thực ra không quá bất ngờ. ĐHCĐ thường niên của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – chủ nợ lớn nhất của BIDV cũng đã hé lộ thông tin nói trên.

Hiện chưa rõ cụ thể những biện pháp tái cơ cấu các khoản nợ mà Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ. Tuy nhiên, có thể hình dung trước hết các khoản nợ sẽ được giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi một số khoản nợ, kéo dài thời gian trả lãi và gốc… Câu chuyện nợ nần của HAGL đã luôn nóng bỏng trên mặt báo, các diễn đàn tài chính trong suốt thời gian 1 năm trở lại đây. Dòng tiền eo hẹp, nặng gánh lãi vay, các khoản nợ dần đến thời điểm đáo hạn, trong khi giá trị cổ phiếu – là một trong những tài sản đảm bảo – lại không ngừng lao dốc là những vấn đề mà HAGL gặp phải. Đến nay vẫn chưa có phương án giải quyết rốt ráo.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ thông qua, những khó khăn của HAGL có thể sẽ tạm thời chấm dứt. Như “quả bom” được cài lùi giờ - một chuyên gia tài chính cho biết. “Cứu” HAGL cũng đồng nghĩa với việc cứu các ngân hàng, giúp các tổ chức này không phải/giảm trích lập dự phòng cho các khoản nợ khổng lồ dành cho HAGL.

Vấn đề đặt ra là, liệu những can thiệp của cơ quan nhà nước đến hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, theo cách riêng lẻ như thế này, đã thực sự hợp lý? Và liệu có ổn không, mỗi khi gặp khó khăn, Doanh nghiệp lại cầu cứu cơ quan chức năng và chờ đợi những giải pháp mang tính tình huống, riêng lẻ?

Cách đây gần 1 tháng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải trực tiếp “ra tay” trong một sự vụ cá biệt liên quan đến doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo TP.HCM buộc phải chấm dứt việc hình sự hóa vụ quán phở - cà phê “Xin chào”. Quyết định của Thủ tướng được hoan nghênh nhiệt liệt. Nhưng cũng có người đặt câu hỏi, tại sao sự việc rõ mười mươi như vậy, lại vẫn cần sự chỉ đạo trực tiếp từ người đứng đầu Chính phủ? Các cơ quan hành pháp đã thực sự làm đúng trách nhiệm hay chưa, và có đủ hành lang cho việc xử lý vụ việc hay chưa? Thủ tướng Chính phủ chắc chắn sẽ không đủ thời gian, và không có chức năng xem xét những sự việc riêng lẻ như vậy?!

Nội lực mới là quan trọng

Liệu những can thiệp của cơ quan nhà nước đến hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp, theo cách riêng lẻ như thế này, đã thực sự hợp lý? Và liệu có ổn không, mỗi khi gặp khó khăn, Doanh nghiệp lại cầu cứu cơ quan chức năng và chờ đợi những giải pháp mang tính tình huống, riêng lẻ?
Quay trở lại trường hợp HAGL, giả sử những phương án đưa ra được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, không có nghĩa là những khó khăn của HAGL được giải quyết rốt ráo. Hàng chục nghìn tỷ đồng nợ vay, sớm muộn HAGL cũng phải trả. Điều này phụ thuộc vào dòng tiền, vào kế hoạch bán tài sản, vào tốc độ triển khai bán hàng của Công ty. Tuy nhiên, đáng lo ngại ở chỗ, về các khía cạnh này, nhà đầu tư chưa thấy nhiều điểm sáng ở ông lớn này.

Nếu các khoản nợ của HAGL không bị nhóm vào nợ xấu, liệu có ngân hàng nào dám bơm tiền cho HAGL, ngoài những chủ nợ sẵn có của Công ty? Một điều gần như chắc chắn, với những rủi ro thanh toán của HAGL, hiếm có ngân hàng nào dám mạo hiểm cấp thêm tín dụng cho “con nợ” này. Và ngay cả các chủ nợ hiện tại của Công ty, bơm tiền thêm cho HAGL cũng là một việc làm đầy tính rủi ro mà chưa chắc đã có ngân hàng nào dám thực hiện.

Năm 2012, thị trường cũng chứng kiến một công cuộc giải cứu tương tự cho “con nợ” Thủy sản Bình An (Bianfishco). Với sự chung tay của một loạt ngân hàng cùng DATC (Công ty mua bán Nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp), Bianfishco đã bắt đầu có lãi vào năm 2014 mặc dù khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ vẫn còn đó.

Một trường hợp khác là CTCP Bóng đèn Điện Quang (Mã chứng khoán DQC). Vướng khoản nợ phải thu gần 10 triệu USD –  tương đương 220 tỷ đồng (tính đến cuối năm 2015) đối với một doanh nghiệp Cuba là Công ty Consumimport. Theo quy định, khoản nợ này đã quá hạn thanh toán và đủ điều kiện trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi. Tuy nhiên, do đặc thù là hợp đồng bán hàng theo Chương trình hợp tác liên Chính phủ Việt Nam – Cuba, Văn phòng Chính phủ đã cho phép Điện Quang không phải trích lập dự phòng đối với khoản nợ này. Theo kế hoạch, 10 triệu USD sẽ được phía đối tác thanh toán cho DQC trong năm nay. Rõ ràng, việc không trích lập dự phòng giúp Điện Quang “tiết kiệm” một khoản chi phí đáng kể mỗi năm.

Khác với HAGL, tình hình kinh doanh của Điện Quang trong những năm gần đây liên tục khởi sắc với lợi nhuận không ngừng tăng từ 2011 đến nay. Cổ phiếu DQC đang ở mức giá 72.000 đồng/CP – là mức đỉnh trong gần 7 năm trở lại đây. Nội lực của doanh nghiệp, chứ không phải những trợ giúp từ cơ quan nhà nước, mới quyết định thành công của doanh nghiệp đó.

Chuyên đề