Khai thông nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(BĐT) - Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện đang rất khó tiếp cận với những nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các nguồn vốn vay ưu đãi. Tại buổi tọa đàm về khả năng tiếp cận tín dụng của các DNNVV được tổ chức mới đây, các chuyên gia đặt vấn đề, đã đến lúc cần đổi mới quy định về tiền vay và điều kiện vay cho phù hợp với “nhược điểm” của DNNVV, để tín dụng ngân hàng thực sự là “phao cứu sinh”, chia sẻ rủi ro với khối DN này.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Khó tiếp cận tín dụng ngân hàng

Theo Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, DNNVV hiện đang chiếm khoảng 95% số lượng DN Việt Nam. Đội ngũ này đang là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế nhờ sự năng động, linh hoạt trong kinh doanh và đầu tư; tham gia ngày càng nhiều và có hiệu quả vào đổi mới, sáng tạo, tạo ra việc làm nhiều nhất với địa điểm sản xuất phân tán, tổ chức bộ máy quản trị gọn nhẹ. Các sản phẩm mà đội ngũ DNNVV làm ra có vòng quay sản phẩm nhanh, chuyển hướng kinh doanh nhanh nhạy, nhạy bén trong lựa chọn mặt hàng…

Song, với quy mô nhỏ gọn, vốn ít, DNNVV hiện không dễ để tiếp cận nguồn tín dụng, phải phụ thuộc vào DN lớn. Khi thiếu vốn, các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong đầu tư công nghệ mới, đặc biệt là những công nghệ đòi hỏi vốn lớn, từ đó ảnh hưởng đến năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Kế toán trưởng Công ty CP Thương mại và Dịch vụ xây lắp dầu khí cho biết, DN này đã từng rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng, phải huy động vốn từ người thân quen với lãi suất không hề thấp. Với đặc điểm vốn ít, phải thường luân chuyển, lưu động để sinh lợi nhuận nên yêu cầu tài sản bảo đảm, lâu dài, DNNVV gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bà Phương cho rằng, các nguồn vốn vay ưu đãi cũng nhiều, nhưng vấn đề là nhiều DNNVV rất khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn này vì không thể chứng minh uy tín và khả năng trả nợ của mình.

Cùng với đó, có những ý kiến cho rằng DNNVV không thể lớn, “không muốn lớn” vì ngoài những khoản thuế nộp ngân sách nhà nước, DN còn phải gánh chịu phí bôi trơn, thuế đen…, thậm chí có cả những nguồn “tín dụng đen” khi DN quá cần vốn mà không thể vay được từ đâu.

Tín dụng ngân hàng phải là “phao cứu sinh”

Ngân hàng thương mại kinh doanh tiền tệ phải sinh lợi để phát triển, song theo một số chuyên gia, việc cung cấp vốn đúng lúc, đúng chỗ sẽ còn là “phao cứu sinh”, chia sẻ rủi ro với DN. Trong nền kinh tế thị trường, có giai đoạn ngành này gặp khó khăn thì ngành khác kinh doanh thuận lợi và ngược lại. Khi đó ngân hàng cung cấp tín dụng, đồng hành với DN để chia sẻ rủi ro giữa các DN thuộc ngành kinh doanh thuận lợi và khó khăn.

Để làm được điều này, ngân hàng cần đầu tư vào công nghệ và nhân lực trình độ cao để đủ năng lực thẩm định dự án đầu tư, phương án kinh doanh của DN nhằm quyết định cung cấp các khoản tín dụng trên cơ sở hiệu quả đầu tư và kinh doanh, mà không chỉ bằng tài sản thế chấp, với các thủ tục công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích của người cho vay, đồng thời tạo thuận lợi cho người đi vay.

Mất 10 năm để tạo lòng tin, uy tín trong tài chính minh bạch, khả năng sinh lời thì DN của mình mới có thể vay vốn từ ngân hàng dựa trên số nợ phải thu, hàng tồn kho, cam kết trả nợ - bà Nguyễn Thị Hoài Phương cho biết.

Song, không phải DNNVV nào cũng “may mắn” được như vậy, do đó, đại diện Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, để DNNVV có thể tiếp cận tín dụng ngân hàng, cần đổi mới quy định về tiền vay và điều kiện vay theo hướng phù hợp với “nhược điểm” của DNNVV về tài sản thế chấp. Nhiều chuyên gia cho rằng, nên tạo điều kiện cho những DN có những ý tưởng, sáng kiến kinh doanh tốt, khả thi, với mức vay tín dụng với lãi suất và thời hạn hợp lý.      

Chuyên đề