Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake đổi chủ

Một công ty liên quan đến tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga đã chi 1.244 tỷ để thâu tóm 75% cổ phần khách sạn 5 sao nằm trên mặt nước Hồ Tây.
Khách sạn InterContinental Hanoi Westlake đổi chủ

Tập đoàn Berjaya của Malaysia thông báo đã ký hợp đồng bán 75% cổ phần của T.P.C Nghi Tam Village, công ty sở hữu khách sạn InterContinental Hanoi Westlake. Giá trị của giao dịch là 1.244 tỷ đồng, tương đương hơn 53,3 triệu USD.

Bên mua là công ty TNHH Phát triển Du lịch khách sạn Hà Nội, một doanh nghiệp mới được thành lập vào cuối tháng 10/2018 có vốn điều lệ 658 tỷ đồng do ông Trần Trung Tuân sở hữu.

Ông Tuân, một nhân sự cao cấp làm việc tại nhiều công ty liên quan đến tập đoàn BRG như Thành viên HĐQT của Công ty Biệt thự và Khách sạn Biển Đông Phương (chủ Sheraton Đà Nẵng), kế toán trưởng của Khách sạn Thắng Lợi. Trước đó là các Công ty Thung Lũng Vua, Công ty Motor N.A.

Số cổ phần còn lại (25%) của khách sạn tọa lạc trên mặt nước Hồ Tây trên thuộc về Thăng Long GTC, một doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2015. Ngoài InterContinental Hanoi Westlake, Thăng Long GTC còn nắm giữ cổ phần tại nhiều khách sạn liên doanh khác tại Hà Nội.

Dù nhà nước vẫn nắm giữ gần 45% cổ phần nhưng chủ tịch của Thăng Long GTC hiện nay là bà Nguyễn Thị Nga, người đứng đầu tập đoàn BRG. Công ty Thung Lũng Vua của BRG cũng là cổ đông chiến lược nắm giữ 27% cổ phần của Thăng Long GTC từ khi doanh nghiệp này được cổ phần hóa.

Trong giao dịch trên, Berjaya cũng được hoàn trả khoản vay 71,6 triệu USD từ chủ sở hữu khách sạn này, nâng tổng số tiền nhận được lên 125 triệu USD. Khoản vay này được tái cấu trúc thông qua hợp đồng vay mới giữa chủ sở hữu khách sạn và SeaBank. Đây là ngân hàng gia đình bà Nga nắm quyền điều hành và sở hữu phần lớn cổ phần.

BRG là tập đoàn đa ngành nhưng nổi bật với các dự án sân golf và khách sạn cao cấp. Những năm gần đây tập đoàn này tham gia tích cực vào quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước như Intimex, Thăng Long GTC, In Trần Phú, VEAM, Hapro..

Gần đây, BRG gây chú ý với việc kết hợp cùng Sumitomo Nhật Bản phát triển dự án thành phố thông minh hơn 4 tỷ USD nằm trên trục đường Nhật Tân – Nội Bài hay tổ hợp bất động sản quy mô 12.000 tỷ đồng tại Thành phố Vũng Tàu.

Tại Hồ Tây, các công ty của bà Nga cũng nắm giữ cổ phần chi phối tại khách sạn Thắng Lợi. Giữa năm ngoái, khách sạn này được chủ sở hữu đề xuất xây mới cao 36 tầng, tuy nhiên cơ quan quản lý cho rằng đề xuất không phù hợp với quy hoạch khu vực.

Với Berjaya, tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với một loạt dự án bất động sản lớn, tập trung tại Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên năm ngoái, họ đã bán cổ phần tại các dự án lớn nhất trong danh mục tài sản là dự án Trung Tâm Tài Chính Việt Nam (BVFC) và Dự án Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT) tại TP.HCM cho tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước. Berjaya Việt Nam vẫn còn sở hữu 50% cổ phần khách sạn Sheraton Hà Nội và 70% khách sạn Berjaya Long Beach Phú Quốc.

Ngoài bất động sản, Berjaya đang là nhà đầu tư và vận hành Công ty xổ số Vietlott tại Việt Nam theo hình thức hợp tác kinh doanh (BCC). Vietlott là công ty 100% vốn nhà nước còn Beryaja nhận một phần doanh thu bán vé số các loại. Giá trị của hợp đồng này là 210 triệu USD và kéo dài 18 năm.

Chuyên đề