Hiệp hội taxi Hà Nội "kể tội" chương trình thí điểm Grab lên Thủ tướng

Bất bình về Dự thảo Nghị định “Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ”thay thế cho Nghị định số 86/2014/NĐ-CP và Tờ trình Chính phủ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Hiệp hội taxi Hà Nội đã kiến nghị lên Thủ tướng "kể tội" thất bại của chương trình thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải.

Thất bại của chương trình thí điểm Grab theo Hiệp hội là gì?

Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội cho rằng, qua hơn 2 năm thí điểm, chương trình thí điểm đã phá vỡ quy hoạch vận tải tại các địa phương được chọn thí điểm, gây ùn tắc giao thông.

Số lượng xe hợp đồng dưới 9 chỗ (Uber, Grab) đã gia tăng nhanh đến mức không kiểm soát được, số lượng xe đã tăng gấp 03 lần số lượng xe taxi truyền thống, phá vỡ quy hoạch vận tải của các thành phố lớn gây ùn tắc giao thông.

Thứ 2 là việc quản lý chương trình thí điểm còn lỏng lẻo, bởi theo Hiệp hội, Công ty TNHH GrabTaxi là đơn vị được Bộ GTVT đồng ý cho tham gia thí điểm. Nhưng không kiểm soát được việc Grab đưa ra chương trình GrabShare vi phạm quy định về vận tải hành khách bằng xe hợp đồng.

Thậm chí, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường còn chỉ đạo trực tiếp yêu cầu Grab dừng chương trình GrabShare nhưng Grab vẫn ngang nhiên triển khai dịch vụ.

Hiệp hội taxi truyền thống vẫn luôn cho rằng Bộ GTVT đánh giá Grab là đơn vị “cung cấp phần mềm” đơn thuần đã tạo ra “kẽ hở” cho Grab được hưởng thuế suất VAT bằng 0%, trong khi taxi truyền thống phải chịu thuế suất 10%. 

Chính sự quản lý không chặt chẽ đó đã dẫn đến việc thất thu thuế, mà theo Hiệp hội, nó xuất hiện từ việc chương trình thí điểm tạo ra một loạt các “Hợp tác xã giấy” để xin phù hiệu xe hợp đồng không nộp thuế.

Sự lỏng lẻo đó đã dẫn tới việc Uber vẫn nợ hơn 53 tỷ đồng tiền thuế vẫn chưa truy thu được. Phía Hiệp hội còn cho rằng, Grab đang liên tục phá giá, khuyến mại dưới giá thành dẫn đến thua lỗ kéo dài, không thu được thuế.

Tình trạng kéo dài khiến Bộ Tài chính phải đưa Grab vào trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện giám sát trọng điểm về thuế.

Không những thế, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, ông Nguyễn Công Hùng còn chỉ ra rằng, Grab đang tạo ra nhiều bất ổn, ngay chính với lái xe của họ.

“Người lái xe cho Grab không được đóng bảo hiểm, trong khi Grab liên tục tăng tỷ lệ thu từ 20%; 23% rồi đến khoảng 29% đã tạo ra rất nhiều bức xúc, đỉnh điểm đã xảy ra nhiều cuộc đình công với quy mô lớn tại Hà Nội và TPHCM của các lái xe Uber và Grab tháng 8/2017”, ông Hùng cho biết thêm.

Các lái xe của Grab hiện nay cũng đang rất bất bình và muốn thành lập một Hiệp hội tài xế lái xe công nghệ để bảo vệ chính quyền lợi của họ. Do hiện nay, mọi quyền quyết định, chính sách hỗ trợ hay phát cuốc xe để do Grab quyết định, tài xế không có quyền, không có sự lựa chọn.

Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, họ luôn ủng hộ việc đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải, bản thân các doanh nghiệp taxi thuộc Hiệp hội hiện nay cũng đã đưa ứng dụng vào hoạt động.

“Tuy nhiên, với chương trình thí điểm còn rất nhiều tồn tại như trên nhưng Dự thảo Nghị định sửa đổi lần này, Bộ GTVT vẫn không đưa ra được các giải pháp hiệu quả để khắc phục được những tồn tại đó”, đại diện Hiệp hội khẳng định.

Cần quản lý xe kinh doanh dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm điện tử như taxi?

Đối với xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm để tính tiền như hiện nay cũng có lịch trình theo yêu cầu của khách, giá cước tính theo ki lô mét và thời gian chờ đợi. Vì vậy đây cũng chính là taxi điện tử.

Các doanh nghiệp taxi đều đã có phần mềm điện tử để gọi xe. Phần mềm cũng báo trước lịch trình và giá cước, khách hàng cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn như loại hình xe hợp đồng điện tử.

Vì vậy, không thể tồn tại hai khái niệm khác nhau cho cùng một hành vi thương mại với cùng một loại hình kinh doanh.

Trong khi đó, theo Hiệp hội, quy định về nhận diện đối với loại hình xe hợp đồng điện tử rất mơ hồ. Trong khi quy định về nhận diện đối với xe taxi điện tử (là loại hình tương tự) thì quy định rất rõ ràng: phải gắn hộp đèn taxi điện tử.

Đó là kiến nghị của Hiệp hội taxi Hà Nội, tuy nhiên, công bằng nhận xét thì từ khi có chương trình thí điểm, người dân được sử dụng dịch vụ vận tải với giá tốt hơn. Do các DN phải chuyển mình thay đổi để cạnh tranh với nhau, chưa kể đến chất lượng dịch vụ cũng sẽ được cải thiện hơn để giữ khách.

Lợi ích phải công bằng và được đến từ nhiều phía, nó không chỉ là việc giữa các DN vận tải, mà nó còn phải đảm bảo hài hòa lợi ích của cả người tiêu dùng. Vì thế, Bộ GTVT cũng nên lắng nghe ý kiến từ nhiều phía để có những điều chỉnh kịp thời, đúng đắn.

Chuyên đề