Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp

(BĐT) - Với tinh thần hướng về doanh nghiệp (DN), coi DN là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực hành động nhằm tạo niềm tin kinh doanh. 
Việc coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam từng bước được cải thiện đáng kể
Việc coi doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam từng bước được cải thiện đáng kể

Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều DN và nhà quản lý ghi nhận quyết tâm hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ, nhưng cũng bày tỏ vẫn cần sự hậu thuẫn mạnh mẽ hơn nữa để DN có thể cải thiện năng lực cạnh tranh. Bởi theo các DN, Chính phủ kiến tạo không chỉ thiết kế luật chơi, mà cần phải dẫn dắt, định hướng sự phát triển.

Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ảnh 1
Nhà nước cần tạo thêm nhiều việc làm cho DN

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP CFTD Sáng tạo

Hiện nay, DN đang phải gánh chịu không ít chi phí không chính thức. Hành lang pháp lý vẫn còn có nhiều kẽ hở để xảy ra các hiện tượng tiêu cực trong đầu tư, kinh doanh, khiến DN không được hưởng chi phí thực của dịch vụ. Muốn khơi dậy sức mạnh của DN, Nhà nước phải có biện pháp xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ, thuận lợi, tạo điều kiện cho DN phát triển; đặc biệt phải sớm xóa bỏ các giấy phép con. Việc hỗ trợ bằng hành lang pháp lý của Nhà nước không nên dừng lại ở khẩu hiệu, mà trong quá trình thực hiện phải sát sao theo dõi, kiểm tra và có đánh giá cụ thể về kết quả thực hiện, mức độ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. 

DN nào cũng cần việc làm, phải có việc làm thì DN mới có dư địa để phát triển. Chính vì thế, để DN có thể phát triển và lớn mạnh thì bên cạnh hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi, Chính phủ cần phải tạo ra nhiều việc làm, đem cơ hội việc làm đến gần với DN. Nếu khan hiếm việc làm, hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh, minh bạch giữa các DN tất yếu sẽ xảy ra. Để làm được điều này, Nhà nước cần huy động và “chăm lo” các nguồn lực vật chất để phát triển kinh tế, đón đầu và mở rộng các làn sóng đầu tư để tạo thêm việc làm cho DN. Đây là một trong những giải pháp giúp DN phát triển lành mạnh, bền vững.

Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ảnh 2
Chính phủ hành động quyết liệt để giúp doanh nghiệp bứt phá

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh doanh nhà Tân Đoàn Việt

Để khơi lên sức mạnh cộng đồng DN, rõ ràng chúng tôi rất cần những hành động thiết thực của Chính phủ. Thời gian qua, với chủ trương Chính phủ kiến tạo, phục vụ, liêm chính và hành động, cộng đồng DN đã được bồi đắp thêm niềm tin lớn khi những cam kết của Chính phủ từng bước được thực thi.

Có thể nói, việc coi DN là động lực phát triển kinh tế đã giúp môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam từng bước được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, bộ máy công quyền đã có sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức với tinh thần phục vụ và hỗ trợ phát triển DN, nên tinh thần của cộng đồng DN càng thêm phấn chấn.

Những nỗ lực và quyết tâm trong xây dựng Chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bình đẳng, bền vững là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong chặng đường tới, Chính phủ cần phải có những hành động thiết thực hơn nữa, hạn chế tối đa những rào cản để giúp cho DN có cơ hội bứt phá tốt.

Thực tế cho thấy, cộng đồng DN vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ, đặc biệt là gánh nặng chi phí chính thức và không chính thức. Mặc dù thuế, hải quan đã được cải thiện, nhưng chi phí cho dịch vụ công cũng như nhiều vấn đề khác chưa thấy có sự cải thiện nhiều. Tôi cho rằng, nếu những trở ngại này được tháo gỡ, sức mạnh của cộng đồng DN sẽ nhân lên gấp bội.

Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ảnh 3
Chính phủ cần tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Ông Trần Đại Hải Phúc, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật Phát Dẫn

Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự đã mang lại kết quả tích cực cho cộng đồng DN. Tôi đánh giá, đến thời điểm này, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang khá tốt. Các chính sách hỗ trợ DN phát triển khá phù hợp với tình hình thực tế, việc thực hiện các thủ tục hành chính cũng “dễ chịu” hơn trước rất nhiều. Về việc vẫn có nhiều DN cho rằng còn gặp không ít khó khăn trong tiếp cận vốn vay ngân hàng, tôi cho rằng đó là do năng lực cạnh tranh của DN chưa tốt. Cụ thể là DN chưa xây dựng được phương án kinh doanh hợp lý, không chỉ ra được hiệu quả kinh doanh, nên không được phía ngân hàng chấp thuận cho vay vốn.

Còn câu chuyện được đề cập nhiều trong thời gian gần đây là DN vẫn phải chịu gánh nặng chi phí, nhất là những chi phí bất hợp lý thì hiện vẫn còn tồn tại. Để có thể cắt giảm những chi phí bất hợp lý này, tôi cho rằng, phương án tối ưu nhất là DN phải có được năng lực quản trị tốt.

Để hỗ trợ DN phát triển, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN phát triển. Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách về thuế, phí một cách hợp lý để DN không phải chịu quá nhiều gánh nặng chi phí khi năng lực cạnh tranh vẫn còn có giới hạn.

Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ảnh 4

Để doanh nghiệp có thể phát triển và lớn mạnh, Chính phủ cần mang nhiều cơ hội việc làm đến gần với doanh nghiệp

Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ảnh 5
Khích lệ doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho xã hội

Ông Lê Đức Thọ, Giám đốc Ban Kinh doanh thuộc Tập đoàn Cienco 4

Để cộng đồng DN phát triển thì phải khơi dậy được nội lực phát triển mạnh mẽ của từng DN. Theo đó, Chính phủ cần có các hình thức ghi nhận công lao đóng góp của DN đối với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội; có chính sách khích lệ và tôn vinh nhiều hơn nữa đối với những DN làm ăn chân chính, có tầm, có tâm và có nhiều cống hiến cho xã hội. Chính phủ cũng cần có thêm những biện pháp để tăng cường trách nhiệm của DN đối với xã hội. Hiện nay, số lượng DN phá sản khá lớn, song việc quản lý những DN phá sản này lại khá lỏng lẻo, đơn giản, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các DN làm ăn chân chính khác, để lại nhiều hệ lụy không tốt cho xã hội như: nợ lương người lao động, nợ thuế, nợ ngân hàng…

Chính phủ đang thực thi nhiều chính sách thúc đẩy và khuyến khích DN khởi nghiệp. “Đầu vào” thành lập DN được nới lỏng, song cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn trong quá trình hoạt động, sản xuất kinh doanh của DN.

Ngoài ra, việc cải cách thủ tục hành chính cho DN của Chính phủ cần đi vào thực chất. Đây là yếu tố có tính cốt lõi tạo thuận lợi cho hành lang phát triển của DN. Chính vì thế, Chính phủ phải có các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả để tạo sự đồng thuận giữa các cấp trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính cho DN, tránh xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” hay “trên bảo, dưới không nghe” như hiện nay.

Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ảnh 6
Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp để triển khai chính sách hiệu quả

Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam (VNSC)

Trong mấy năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, qua đó góp phần cắt giảm chi phí cho DN. Tuy nhiên, hiện các DN thuộc VNSC vẫn đang phải chịu những khoản chi phí bất hợp lý, tạo gánh nặng cho DN. Cụ thể, chi phí các dịch vụ logistics còn rất cao khiến việc sử dụng dịch vụ thuê ngoài của các DN kinh doanh trong lĩnh vực này bị hạn chế. Thực tế này đang khiến không ít DN phải tự đứng ra làm dịch vụ logistics để có thể kiểm soát chi phí tốt hơn và tận dụng được nguồn lực nhàn rỗi…, cho dù hoạt động “tự cung tự cấp” này không chuyên nghiệp. Đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế khả năng cạnh tranh của DN trong nước, khiến việc mở rộng thị trường của các DN gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh chi phí logistics cao, các DN cũng đang gặp không ít khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu. Chưa kể, các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng chưa tạo thuận lợi cho DN.

Chúng tôi hy vọng, các chính sách mới được ban hành trong thời gian qua, đặc biệt là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực vào 1/1/2018, sẽ thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Để quá trình thực thi chính sách hiệu quả, việc phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai chính sách cần phải chặt chẽ hơn. Đây mới là vấn đề mà cộng đồng DN quan tâm.

Hiến kế khơi dậy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp ảnh 7
 
Doanh nghiệp cần chỗ dựa pháp lý để phát triển bền vững

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tuấn Phong

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều hành động thiết thực để tạo thuận lợi cho DN đầu tư, kinh doanh. Các thủ tục hành chính đã tinh gọn, đơn giản hơn; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vướng mắc cho DN đã nhanh hơn; sự tương tác giữa DN với các cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết các thủ tục hành chính cũng chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Chính sách pháp luật đang dần hoàn thiện, tuy nhiên những “khoảng trống” trong thực thi thì vẫn còn. DN còn “vấp” phải sự chồng chéo khi thực thi các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh. Trong một số trường hợp, giữa các cơ quan nhà nước chưa thống nhất được cách xử lý đối với một số thủ tục hành chính, gây khó khăn cho DN trong việc tiếp cận vốn ngân hàng…

Để DN phát triển đúng hướng và bền vững, Nhà nước cần tạo ra chỗ dựa pháp lý vững chắc, tin tưởng để DN yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đó, những văn bản pháp luật đang còn chồng chéo, rườm rà cần phải được loại bỏ; đẩy mạnh hơn nữa việc minh bạch thông tin để tạo sự tương tác, kết nối và phản hồi chặt chẽ giữa hoạt động của các DN với khung chính sách của Nhà nước. Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với DN cần phải linh hoạt, bám sát các hoạt động kinh doanh - sản xuất của DN. Đặc biệt là xây dựng cơ chế phối hợp “cởi mở” nhưng hiệu quả giữa ngân hàng với DN để DN yên tâm vay vốn, đầu tư kinh doanh, cũng như có chiến lược làm ăn lâu dài.

Chuyên đề