Hé lộ nhóm cổ đông đứng sau An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex

 “Nhóm cổ đông khoảng 5-6 người. Đây là cuộc chơi lớn nên phải tập hợp đông anh em, chủ yếu làm trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó không có vị nào bên Hải Phát, Him Lam, Geleximco...", một cổ đông chia sẻ với PV
Hé lộ nhóm cổ đông đứng sau An Quý Hưng thâu tóm Vinaconex

Ngày 13/12, Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã ban hành Quyết định số 405 về việc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh về Người đại diện theo pháp luật, gồm các nội dung: Phê duyệt Đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Đỗ Trọng Quỳnh; Bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đông giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ thay đổi Người đại diện theo pháp luật của Tổng công ty cổ phần Vinaconex từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông .

Thực hiện quy định tại Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, VINACONEX đã có Công văn số 2152/2018/CV-PC ngày 13/12/2018 để công bố thông tin về nội dung nêu trên.

Công bố thay đổi nhân sự cấp cao của Vinaconex thực hiện ngay sau khi An Quý Hưng đề nghị Vinaconex tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường 2018.

Ngày đăng ký cuối cùng là 26/12. Thời gian tổ chức dự kiến vào lúc 8h00 ngày 11/1/2019. Địa điểm tại Tòa nhà Vinaconex, 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội.

Nội dung họp dự kiến là việc kiện toàn nhân sự Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022 và các nội dung khác.

Theo nguồn tin riêng của PV, việc thâu tóm Vinaconex ngoài An Quý Hưng còn có một số “ông lớn” bên lĩnh vực bất động sản và xây dựng góp vốn.

Xác nhận với PV ngày 14/12, một thành viên xin giấu tên cho biết: “Tôi đang giữ chức vụ quan trọng ở một doanh nghiệp nên không thể lộ danh tính. Sau đại hội cổ đông (dự kiến 11/1/2019), sẽ rõ hết các cổ đông tham gia. Hội đồng quản trị sẽ thay đổi hoàn toàn. Những người đại diện cũ sẽ rút hết. Đại diện cổ phần của Viettel cũng đã bán cổ phần và sẽ rút hết”.

Trước đó, lô cổ phần 57,71% vốn do SCIC sở hữu đã bán đấu giá thành công, tổ chúc/nhà đầu tư trúng giá là công ty An Quý Hưng với khi chi đến 7.366 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm SCIC công bố.

Ngày 4/12 vừa qua, công ty này đã thanh toán số tiền còn lại sau đấu giá cho SCIC và qua đó trở thành cổ đông lớn nhất hiện nay của Vinaconex.

Hiện tại, Hội đồng quản trị VCG có 7 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đức Chi là đại diện Nhà nước làm Chủ tịch HĐQT. Ban kiểm soát có 5 thành viên và do ông Đặng Thanh Huấn làm Trưởng BKS.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Cty TNHH An Quý Hưng thành lập ngày 8/4/2001, trụ sở chính nằm tại Km 28, QL 6A, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội.

Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và xây lắp các công trình có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Hiện tại, cơ cấu cổ đông An Quý Hưng gồm ông Nguyễn Xuân Đông – Tổng Giám đốc nắm 78,4% vốn; và vợ ông là bà Đỗ Thị Thanh nắm 21,6% vốn.

Được biết, ông Nguyễn Xuân Đông cũng là người đại diện theo pháp luật và đồng thời là Tổng Giám đốc doanh nghiệp.

Một chi tiết đáng chú ý là ngay trước thời điểm đấu giá cổ phần VCG, An Quý Hưng đã tăng vốn từ 360 tỷ đồng lên đến 500 tỷ đồng.

Doanh thu thuần năm 2017 của An Quý Hưng đạt 956 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 62,3 tỷ đồng. Ở một số chỉ số khác của doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn đạt 549,2 tỷ đồng; tài sản dài hạn 450,4 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 456,2 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn đạt hơn 999,6 tỷ đồng.

Đây cũng là lý do nhiều ý kiến thắc mắc về nguồn tiền của An Quý Hưng bỏ ra để chi trả cho số lô cổ phần VCG.

Trong quá khứ, An Quý Hưng từng mua cổ phần Vimeco – công ty con do Vinaconex nắm 51% vốn, vào ngày 18/6/2013. Trải qua vài lần mua vào, An Quý Hưng đã nâng tổng số cổ phần nắm giữ lên gần 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 30,97%. Bản thân ông Nguyễn Xuân Đông trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 – 4/2017 là Thành viên HĐQT Vimeco.

Sự xuất hiện của An Quý Hưng đã giúp Vimeco vực dậy dự án Chung cư CT4 sau 3 năm bỏ trống, nhưng với tỷ lệ nắm giữ này lại không đủ chi phối so với công ty mẹ là Vinaconex, do đó An Quý Hưng đã bất lực trong quá trình giám sát, kiểm soát tình hình kinh doanh của Vimeco. Cuối năm 2016, An Quý Hưng đã phải bán ra toàn bộ hơn 3 triệu cổ phần nắm giữ ở Vimeco.

Ngoài Vimeco, An Quý Hưng đã từng hợp tác đầu tư vào dự án tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex tại Hà Nội cùng với Văn Phú Invest (mã VPI). Tuy vậy, An Quý Hưng đã rút khỏi dự án này chỉ sau một thời gian ngắn tham gia.

Không những thế, doanh nghiệp của ông Đông cũng từng tham gia cạnh tranh với Thaigroup của "bầu" Thụy để mua cổ phần khách sạn Kim Liên, nhưng đã thất bại khi Thaigroup "bạo tay" chi hơn 1.000 tỷ đồng.

Hiện tại, An Quý Hưng đã lập ra công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản. Doanh nghiệp này hiện đang thực hiện các dự án như Manhattan Tower (21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội); Tổ hợp trung tâm thương mại dịch vụ, Văn phòng và Chung cư cao cấp 105 Chu Văn An (Số 105 Chu Văn An, P. Yết Kiêu, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội);…

Về ông Nguyễn Xuân Đông - Tổng Giám đốc doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật An Quý Hưng, tìm hiểu của PV cho thấy ông đang nắm nhiều chức vụ ở các doanh nghiệp khác, như: Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Đức Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH AN Quý Hưng Land và thành viên độc lập HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã HPX).

Chuyên đề