Hạn chế tuyệt đối rủi ro trong vận hành sản xuất

(BĐT) - Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất là công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và cung cấp khoảng 30% nguồn xăng dầu cho cả nước. Việc vận hành sản xuất tuyệt đối an toàn sẽ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tham gia đắc lực vào sự phát triển ngành Dầu khí và đóng góp nguồn thu ngân sách nhà nước. 
Công nhân bảo dưỡng sửa chữa BSR
Công nhân bảo dưỡng sửa chữa BSR

Nhận thức rõ tầm quan trọng hàng đầu đối với nhiệm vụ này, ngay từ khi Nhà máy đi vào vận hành thương mại, Ban Lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn chủ động, xây dựng kế hoạch, lập phương án cụ thể để hạn chế thấp nhất rủi ro trong quá trình sản xuất. 

Vận hành là phải an toàn

Ông Mai Tuấn Đạt, Trưởng Ban Vận hành sản xuất cho biết: NMLD là tổ hợp phức tạp và có mức độ rủi ro về an toàn, kỹ thuật ở mức rất cao vì các mối nguy gây cháy, nổ luôn tồn tại trong nhà máy. Nhận diện rõ vấn đề thường trực này, ngay từ rất sớm, BSR đã thiết lập riêng một bộ tài liệu Chiến lược Vận hành - Bảo dưỡng; trong đó, đặt mục tiêu đầu tiên là duy trì nhà máy vận hành an toàn ở cấp độ cao nhất. Biện pháp được áp dụng xuyên suốt trong bộ tài liệu là quản trị rủi ro thông qua một hệ thống các giải pháp quản lý và kỹ thuật tiên tiến nhất đang được áp dụng trên thế giới.

Nói về hệ thống quản lý an toàn phải kể đến Hệ thống Quản lý An toàn công nghệ PSM (Process Safety Management) tiên tiến nhất do tổ chức CCPS (Center for Chemical Process Safety) của Mỹ xây dựng với 20 phân hệ thành phần. Hệ thống này đã được đưa vào áp dụng tại Nhà máy từ rất sớm, đã thực sự trở thành công cụ nòng cốt, hiệu quả và được áp dụng thường xuyên trong hầu hết các nghiệp vụ sản xuất của Nhà máy. Những phân hệ được sử dụng từ giai đoạn đầu vận hành đến nay đã thành thói quen bao gồm: Hệ thống Quy trình vận hành, PTW (cấp giấy phép làm việc), PSSR (kiểm tra sẵn sàng trước khi khởi động), Điều tra sự cố, Kiểm tra tính tuân thủ, Quản lý sự thay đổi (MOC), Quản lý nhà thầu, Phân tích mối nguy công nghệ, Hệ thống quản lý tính toàn vẹn cơ khí (Mechanical Integrity), Ứng phó tình huống khẩn cấp, v.v. Trong các buổi họp giao ban định kỳ của Nhà máy, Ban Vận hành sản xuất đều có đánh giá và báo cáo chính thức về tình trạng thực hiện của từng phân hệ PSM kèm theo các yêu cầu hành động với mức ưu tiên cao với các biểu hiện vi phạm của từng phân hệ.

Từ năm 2016, Nhà máy đã thực hiện nâng cấp hệ thống PSM và đưa vào áp dụng một số phân hệ mới như Văn hóa An toàn công nghệ, Hệ thống Quản lý vận hành COO (Conduct of Operations), Đánh giá của cấp quản lý và cải tiến liên tục…; trong đó, phân hệ Văn hóa An toàn công nghệ là công cụ để chuyển hóa các biện pháp nghiệp vụ quản lý và nghiệp vụ kỹ thuật đảm bảo an toàn công nghệ thành các thói quen tác nghiệp của từng nhân viên trong nhà máy. Việc xây dựng Văn hóa An toàn công nghệ là biểu hiện rõ nét nhất của sự thành công trong công tác quản lý rủi ro trong hoạt động vận hành-sản xuất của NMLD Dung Quất.

Diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên vùng biển Vịnh Việt Thanh

Kiểm soát các mối nguy

Gần đây nhất, Nhà máy đã đưa vào áp dụng Quy trình Kiểm soát các mối đe dọa đến an toàn và liên tục vận hành (mã số PRD-WI-000-045). Quy trình này yêu cầu nhân sự vận hành phân tích từng biểu hiện bất thường về kỹ thuật, thiết bị và công nghệ để nhận diện sớm bất kỳ mối nguy và mối đe dọa đến việc đảm bảo an toàn và liên tục vận hành của Nhà máy. Các mối đe dọa đã được nhận diện sẽ được Trưởng ca nhà máy đánh giá mức độ rủi ro theo phương pháp khoa học để phân nhóm theo cấp độ Cao (H), Trung bình (M) hoặc Thấp (L) và thực hiện các hành động khắc phục với mức ưu tiên tương ứng. Các mối đe dọa với mức rủi ro cao sẽ phải được Lãnh đạo Nhà máy trực tiếp xử lý ngay lập tức 24/24 giờ bất kể ngày đêm nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho Nhà máy.

Bên cạnh đó, để hạn chế tuyệt đối rủi ro trong quá trình sản xuất, Công ty đã đưa việc đảm bảo an toàn trở thành một văn hóa ứng xử của các thành viên trong Nhà máy. Nói về vấn đề này, Ông Mai Tuấn Đạt chia sẻ: “Để trở thành thói quen tốt này, phải trải qua rất nhiều thời gian và công sức. Ban lãnh đạo Công ty xây dựng nguyên tắc ghi nhận và khen thưởng, có như vậy, mới tạo được hứng thú cho mỗi người tham gia và tạo được sự tôn nghiêm cho mỗi công nhân thực hiện. Từ nguyên tắc ghi nhận và khen thưởng này, mỗi công nhân khi phát hiện cá nhân nào không thực hiện sẽ được khen thưởng, phát hiện ra mối nguy nào cũng được khen thưởng, từ đó, tạo được thói quen quan sát cho mỗi người và văn hóa góp ý nhắc nhở để mỗi công nhân trở thành một tấm gương và sẵn sàng học hỏi, sửa chữa thói quen để ngày một càng hoàn thiện hơn”.

Không những vậy, để thực hiện có hiệu quả và đảm bảo tuyệt đối rủi ro trong quá trình sản xuất, Nhà máy đã xây dựng trên 1.600 quy trình; trong đó, có khoảng 100 quy trình quản lý, 1.500 quy trình nghiệp vụ. Tất cả mỗi quy trình được xây dựng 1 cách chi tiết và cụ thể. Do vậy, mỗi công nhân tại Nhà máy khi làm việc đều thực hiện theo quy trình này. Mỗi thao tác đều thực hiện đúng với quy trình được xây dựng sẵn. Đây được xem là một trong các nguyên tắc quan trọng nhất để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình sản xuất của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Chính những nỗ lực này đã giúp Nhà máy đạt được hiệu quả cao quá trình kinh doanh. Điển hình, Nhà máy đã đạt được gần 14 triệu giờ công an toàn, đây là chỉ số ít có nhà máy nào trên thế giới đạt được. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc khai thác hiệu quả việc vận hành của Nhà máy lọc dầu Dung Quất được vinh danh trong Top dẫn đầu của thế giới vì luôn vận hành ở trên mức 100% công suất liên tục trong nhiều năm qua.

Chuyên đề