HAGL hâm nóng ĐHCĐ Ngân hàng BIDV

(BĐT) - Công bố tại tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2016 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bắc Hà cho biết, dư nợ cho vay của ngân hàng này đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ở vào khoảng 10.500 tỷ đồng. 
Dư nợ cho vay của BIDV đối với HAGL vẫn nằm trong ngưỡng an toàn khi giá trị tài sản thế chấp lên tới 18.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Dư nợ cho vay của BIDV đối với HAGL vẫn nằm trong ngưỡng an toàn khi giá trị tài sản thế chấp lên tới 18.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

BIDV cũng đồng thời là “chủ nợ” lớn nhất trong hàng chục chủ nợ hàng nghìn tỷ của HAGL và không bất ngờ khi tình hình của HAGL đã “hâm nóng” ĐHCĐ của ngân hàng này.

Tái cơ cấu các khoản nợ vay cho HAGL

Về khoản nợ khổng lồ của HAGL tại BIDV, Tổng giám đốc BIDV – ông Phan Đức Tú cho biết vẫn nằm trong ngưỡng an toàn khi giá trị tài sản thế chấp hiện lên tới khoảng 18.000 tỷ đồng. Các khoản vay của BIDV dành cho HAGL tập trung vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp như cao su, cọ dầu, gần đây là dự án nuôi bò – đều nằm trong chiến lược cho vay theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài ra cũng có một vài dự án thủy điện được BIDV cấp vốn, ông Tú thừa nhận.

Quan hệ giữa BIDV và HAGL không phải mối quan hệ “ngày một ngày hai”, cả hai đã có thời gian làm việc lâu dài hàng chục năm, và HAGL là một trong những đơn vị sòng phẳng nhất – Tổng giám đốc BIDV cho biết.

Khó khăn hiện có của HAGL là khó khăn về thanh khoản, hoàn toàn không phải mất khả năng chi trả cho các khoản nợ.

Một thông tin được phía BIDV lần đầu hé lộ về các dự án nông nghiệp của HAGL đó là vị trí địa lý của những dự án này. Ông Nguyễn Bắc Hà cho biết, HAGL được cấp đất triển khai dự án mía đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là những vị trí mang tính chiến lược.

Khi một doanh nghiệp gặp khó khăn thanh khoản, điều người ta nghĩ đến đầu tiên là bán bớt tài sản nhằm cải thiện tình thế. Với HAGL, việc bán tài sản ngay lập tức sẽ mang lại cho công ty này một nguồn tiền đáng kể. Tuy nhiên, những dự án của Công ty không đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế, mà còn mang ý nghĩa về mặt quốc phòng, an ninh. Trong Hiệp định giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia cũng ghi rõ điều khoản không chuyển nhượng tài sản cho bên thứ 3. Chính vì vậy, không chỉ BIDV, mà 10 nhà băng khác cũng đồng quan điểm về việc cần hỗ trợ HAGL hơn là gây sức ép đối với công ty này. Không chỉ các ngân hàng, Chính phủ Lào và Campuchia cũng đã lên tiếng về việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trồng cao su dọc biên giới.

Với những luận điểm nói trên, người đứng đầu BIDV khẳng định, việc cho vay đối với HAGL hoàn toàn đúng chủ trương và những quy định của pháp luật. Phía BIDV nhất trí việc tái cơ cấu các khoản nợ vay cho HAGL theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là giữ nguyên nhóm nợ, chỉ kéo dài thời gian trả nợ.

Tăng vốn, liệu có khả thi?

Quan hệ giữa BIDV và HAGL không phải mối quan hệ “ngày một ngày hai”, cả hai đã có thời gian làm việc lâu dài hàng chục năm, và HAGL là một trong những đơn vị sòng phẳng nhất – Tổng giám đốc BIDV cho biết.
Việc tăng vốn điều lệ thêm 9.446 tỷ đồng, tương đương với phát hành thêm 944,6 triệu cổ phần (CP) cũng thu hút sự chú ý của hầu hết các cổ đông có mặt tại ĐHCĐ. Trong 4 đợt phát hành dự kiến trong năm 2016, có 2 đợt phát hành lần lượt là 150,3 triệu và 290,6 triệu CP mà BIDV hoàn toàn không thu được tiền mặt (cổ phiếu thưởng tỷ lệ 4,4% và cổ tức bằng cổ phiếu năm 2015 tỷ lệ 8,5%). Với 2 đợt phát hành này, việc phát hành thành công tương đối đơn giản. 2 đợt phát hành “có thu tiền” còn lại bao gồm: Một là, phát hành 211,8 triệu CP cho cổ đông hiện hữu và Nhà nước từ chối quyền mua. Hai là, phát hành cho toàn bộ cổ đông hiện hữu (bao gồm cổ đông Nhà nước) 291,9 triệu CP với giá 10.000 đồng/CP, tỷ lệ 8,54%.

Hiện tại, Nhà nước đang nắm giữ 3.257,3 triệu CP BIDV, tương đương 95,28% vốn điều lệ của Ngân hàng, cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ 161,4 triệu CP. Theo tính toán , với đợt phát hành thứ nhất (211,8 triệu CP), mỗi cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ 1 CP BIDV sẽ có quyền mua 1,31 CP mới. Vấn đề đặt ra là, liệu cổ đông hiện hữu của Ngân hàng có bỏ tiền ra để thực hiện toàn bộ quyền mua nói trên, khi mà cổ tức năm 2015 đã được chi trả bằng cổ phiếu – không một đồng tiền mặt? Tỷ lệ phát hành thêm 1:1,31 là một tỷ lệ tương đối lớn đòi hỏi một lượng vốn lớn cần hấp thụ.

Với đợt phát hành thứ hai (291,9 triệu CP), khả năng phát hành còn khó khăn hơn nữa khi CP phát hành thêm dành cho cả cổ đông Nhà nước. Cũng theo tính toán, để thực hiện toàn bộ quyền mua, cổ đông Nhà nước sẽ phải bỏ ra khoảng 2.781 tỷ đồng để mua CP BIDV. Trong tình hình ngân sách gặp nhiều khó khăn, việc chi ra hàng nghìn tỷ đồng nhằm tăng vốn điều lệ cho một ngân hàng TMCP có vẻ sẽ gặp nhiều khó khăn.

Phát biểu tại ĐHCĐ, đại diện BIDV cũng thẳng thắn thừa nhận, khả năng được cổ đông Nhà nước chấp thuận thông qua các phương án tăng vốn và “bỏ tiền” ra mua cổ phần là không cao, ngay cả khi ngân hàng này đề nghị Nhà nước ứng trước tiền tăng vốn điều lệ, chờ việc phát hành cho cổ đông chiến lược được hoàn tất, BIDV sẽ “trả nợ” lại cho Nhà nước, mà thực tế việc tìm cổ đông chiến lược cho ngân hàng chưa bao giờ là dễ dàng.

Chuyên đề