Gỡ vướng chính sách cho khởi nghiệp

(BĐT) - “Cuộc đua” khởi nghiệp ở Việt Nam sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nguồn vốn được khơi thông, các “nút thắt” về chính sách hỗ trợ được tháo gỡ. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo có thể giúp một phần trong chuyện này.
Doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Ảnh: Intel
Doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn. Ảnh: Intel

Cứu cánh phát triển 1 triệu doanh nghiệp

Tại Hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp” vừa diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, mục tiêu từ nay đến năm 2020 Việt Nam phải đạt ít nhất 1 triệu doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, ông muốn mục tiêu này phải đạt được trong 2 - 3 năm tới. Và khởi nghiệp chính là cứu cánh để phát triển số DN mới này. Chính phủ sẽ đồng hành cùng DN, coi mình là một nhà ươm tạo ban đầu cho các DN khởi nghiệp (startup).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, dù đã nói nhiều về hệ sinh thái startup, nhưng nhận thức của cộng đồng về vấn đề này vẫn còn mới mẻ. Về cơ bản, nó cần hội tụ 4 yếu tố: kiến tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho startup; tính năng động sáng tạo của các startup; sự tham gia tích cực của các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư; những điều kiện, thể chế để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ mong muốn khơi thông nguồn vốn cho hoạt động startup. Thực tế cho thấy đặc thù tài trợ vốn cho hoạt động startup khác với tài trợ vốn cho kinh doanh thông thường, bởi những startup thường có rủi ro, “5 ăn 5 thua”, có khi “7 phần thua 3 phần thắng”. Ngân hàng ít khi dành tín dụng cho giai đoạn ươm mầm startup, nên cần phải có những quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần. Vì vậy, vẫn phải có nguồn quỹ từ phía Chính phủ trong giai đoạn ban đầu, nhưng cần phải làm rõ thể chế như thế nào, hoạt động ra sao, tránh chạy theo phong trào nhưng không hiệu quả, và phải hoạt động theo quy tắc thị trường.

Gần đây, ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan đã phát triển sàn giao dịch chứng khoán dành cho các startup, giúp các DN huy động vốn trực tiếp từ xã hội. Đơn cử như mô hình sàn giao dịch KONEX của Hàn Quốc dành cho các startup đã thành công sau hơn 2 năm vận hành.

Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định rằng các startup với những sáng tạo và đột phá về công nghệ sẽ là nhân tố quan trọng góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp, các chính sách vĩ mô hỗ trợ tổng cầu đã dần hết dư địa.

Sớm khơi thông chính sách

Các startup với những sáng tạo và đột phá về công nghệ sẽ là nhân tố quan trọng góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh năng suất lao động tăng thấp, các chính sách vĩ mô hỗ trợ tổng cầu đã dần hết dư địa.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay đối với các startup chính là huy động vốn cho giai đoạn ươm mầm cũng như tăng tốc. Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn nhiều điểm vướng, nhất là khung pháp lý, khi từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các nhà hoạt động chứng khoán, quỹ đầu tư thường chỉ dành sự quan tâm cho các DN có quy mô tương đối lớn.

Theo bà Thuỷ, các ngân hàng cũng có quỹ đầu tư, nhưng họ tập trung cho những startup có quy mô, còn các startup nhỏ thì rất ít. Chính sách thuế dành cho startup hiện nay ở Việt Nam cũng chưa có. Dự kiến, một chương về hỗ trợ startup sẽ được đưa vào dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đấy sẽ có nhiều chính sách thuế, sẽ lấy ý kiến cộng đồng DN và các tổ chức liên quan.

Ngoài ra, lãnh đạo Cục Phát triển doanh nghiệp chia sẻ, bỏ tiền cho các startup là chấp nhận có rủi ro, nhiều khi bỏ 10 nhưng chỉ được 1, khoản đầu tư rủi ro đó liệu có bị hình sự hoá về mặt trách nhiệm, chẳng hạn với cán bộ ngân hàng? Ngay như Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Quỹ Hỗ trợ DNNVV nhưng cơ chế hoạt động hiện nay cũng rất khó khăn, hầu như không hề chấp nhận phần trăm rủi ro nào. Theo bà Bùi Thu Thuỷ, trong chính sách khởi nghiệp, đây là những vấn đề khó, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để khi trình Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ có nhiều tiếng nói, để chính sách đưa vào khung luật có căn cứ triển khai, góp phần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển mạnh hơn

Chuyên đề