Giảm lượng, tăng chất doanh nghiệp nhà nước: Kỳ vọng từ “siêu ủy ban”

(BĐT) - Đến thời điểm này, Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) đang được các cơ quan thẩm định để có thể trình Chính phủ trong quý I/2018. 
Giảm lượng, tăng chất doanh nghiệp nhà nước: Kỳ vọng từ “siêu ủy ban”

Khi Ủy ban này đi vào hoạt động, tiến độ và chất lượng cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được kỳ vọng sẽ nâng lên, những bất cập tại DNNN được xử lý. 

Lạc quan về tiến độ

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020. Danh mục này đã liệt kê khá chi tiết những DN thuộc diện CPH giai đoạn này. Theo đó, riêng năm 2018, cả nước có 64 DNNN (đa phần có quy mô lớn) sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ CPH. Con số này tương ứng hơn 50% của cả giai đoạn 2017 - 2020. Vì vậy, theo nhiều chuyên gia, có thể coi năm 2018 là năm cao điểm trong quá trình CPH DNNN với việc đi sâu vào chất lượng hơn số lượng.

Theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, phần lớn việc CPH DNNN giai đoạn 2016 - 2020 sẽ tập trung vào năm 2018 - 2019, đến năm 2020 chỉ còn 1 DN thuộc diện này. Cụ thể, trong cao điểm này sẽ CPH nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc các lĩnh vực kinh tế quan trọng, có cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. “Đó là những đối tượng trước đây không được coi là diện CPH thì nay thuộc diện phải CPH và quy mô sẽ rất lớn so với tất cả các DN đã CPH từ trước tới nay”, ông Trung nhận xét.

Một số DNNN điển hình thuộc diện này được ông Trung chỉ ra như: Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc. Khi CPH, các DN này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, có đánh giá tài sản của các tổ chức định giá một cách khách quan, độc lập, từ đó hy vọng chất lượng CPH DNNN sẽ được nâng cao hơn.

Trước một số ý kiến nhận xét tiến độ sắp xếp, CPH, thoái vốn, tái cơ cấu DNNN năm 2016 - 2017 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, ông Trung cho rằng, kết quả này không đáng lo ngại, bởi vẫn nằm trong kế hoạch cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2016 - 2020. Phân tích lý do, ông Trung chỉ ra, số lượng DNNN CPH giai đoạn 2016 - 2020 không lớn. Bằng chứng trong quá khứ là năm 2015 - năm cuối của quá trình tái cơ cấu 2011 - 2015 đã tái cơ cấu, CPH được gần 200 DNNN; còn đỉnh điểm trước đó là năm 2005 - 2006, chúng ta CPH được 800 DN/năm. “Vì vậy, tiến độ CPH vài chục DN còn lại trong thời gian còn lại của kế hoạch tôi nghĩ không đáng lo”, ông Trung khẳng định.

Bên cạnh câu chuyện về tiến độ, nhiều ý kiến chuyên gia vẫn “đổ dồn” vào câu chuyện chất lượng CPH. Một số ý kiến cho rằng, trong 1 - 2 năm gần đây, hoạt động CPH DNNN có phần khởi sắc hơn, song việc thu hút cổ đông bên ngoài, nâng cao tỷ lệ sở hữu tại các DN CPH trong bối cảnh hiện tại vẫn chưa thấy nhiều tín hiệu lạc quan. 

 “Chìa khóa” giúp DNNN làm ăn hiệu quả

Trong nhiều năm qua, các DNNN luôn bị phát hiện còn nhiều tồn tại, sai sót trong công tác quản lý tài chính, tài sản công… Minh chứng là cách đây hơn 1 tuần, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố một bản dự thảo báo cáo về tình hình công bố thông tin của DNNN năm 2017 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Báo cáo cho thấy, năm 2017 vẫn còn có tới 357/622 DNNN chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định, và trong tổng số 265 DN đã công bố thì vẫn còn gần 120 DNNN “quên” công bố báo cáo tài chính. Trước đó, năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có bản báo cáo dài với danh sách hàng trăm DNNN chưa hoặc chậm công bố thông tin.

Về sự chây ì này, ông Phạm Đức Trung cho rằng, về mặt tổ chức, trong quá khứ đã có rất nhiều DNNN nộp báo cáo chậm nhưng không bị xử lý, vì thế không tạo được áp lực buộc các DN phải nộp báo cáo đúng thời hạn. Lý do nữa là, bản thân quy định của pháp luật hiện hành đối với việc xử lý các trường hợp không nộp, nộp báo cáo chậm hoặc thông tin báo cáo chưa chuẩn vẫn chưa đầy đủ, cụ thể và rõ ràng. “Các quy định hiện mới chỉ nói về việc các DNNN phải nộp báo cáo chứ chưa nói về việc nếu nộp chậm, thông  tin không chính xác thì bị xử lý ra sao”, ông Trung chỉ ra.

Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế thì tất cả những tồn tại này sẽ được xử lý khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đi vào hoạt động.

Một thông tin đáng mừng là đến thời điểm này, Dự thảo Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện và đang trong quá trình thẩm định để trình Chính phủ xem xét, ban hành. Khi Ủy ban đi vào hoạt động sẽ góp phần thay đổi mạnh về chất trong hoạt động của các DNNN. Đơn cử như về tiến độ, theo ông Trung, công tác thoái vốn, CPH DNNN sẽ nhanh hơn, bởi ít nhất về nguyên lý thành lập Ủy ban là thành lập bộ máy chuyên trách thực hiện nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới, cũng như đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN.

Chuyên đề