Giá dầu giảm, doanh nghiệp dầu khí chao đảo

Hàng loạt doanh nghiệp ngành dầu khí, từ khai thác cho đến dịch vụ đều gặp khó khăn, phải cắt giảm chi phí, sản lượng, giảm lao động...do giá dầu giảm.
Giá dầu giảm sâu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu khí, từ khai thác đến dịch vụ, phải tính toán giảm sản lượng, lao động, chi phí... Trong ảnh: khai thác dầu khí tại giàn công nghệ trung tâm số 2 ở mỏ Bạch Hổ của Vietsovpetro - Ảnh: Huy Hùng
Giá dầu giảm sâu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp dầu khí, từ khai thác đến dịch vụ, phải tính toán giảm sản lượng, lao động, chi phí... Trong ảnh: khai thác dầu khí tại giàn công nghệ trung tâm số 2 ở mỏ Bạch Hổ của Vietsovpetro - Ảnh: Huy Hùng

Với giá dầu giảm mạnh trong năm 2015 và tiếp tục đứng ở mức thấp trong những tháng đầu năm nay, hàng loạt doanh nghiệp ngành dầu khí, từ khai thác cho đến dịch vụ đều gặp khó khăn, phải cắt giảm chi phí, sản lượng, giảm lao động...

Trong khi đó, nhiều dự án lọc hóa dầu cũng có nguy cơ chậm tiến độ, thậm chí ngừng triển khai do đối tác nước ngoài rút lui hoặc đưa ra nhiều “yêu sách” để tìm cách trì hoãn...

Đóng giếng, dừng thăm dò

Tại buổi triển khai nhiệm vụ năm 2016 mới đây, ông Từ Thành Nghĩa, tổng giám đốc Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro), cho biết theo nghị quyết hội đồng Vietsovpetro vào cuối năm 2014, giá dầu kế hoạch năm 2015 của liên doanh này là 75 USD/thùng.

Thế nhưng trên thực tế, giá bán dầu trung bình cả năm của doanh nghiệp này chỉ có 56,1 USD/thùng. Và trong năm 2016, ngành khai thác dầu sẽ còn khó khăn hơn do giá dầu kế hoạch thông qua là 55 USD/thùng, trong khi giá dầu hiện chỉ còn hơn 30 USD/thùng.

Trong năm 2016, Vietsovpetro dự kiến khai thác 5 triệu tấn dầu và với giá dầu kế hoạch đề ra là 55 USD/thùng, doanh thu bán dầu năm 2016 dự kiến đạt 2,1 tỉ USD, nộp ngân sách gần 950 triệu USD, lợi nhuận phía VN đạt 206 triệu USD và Nga là 198 triệu USD.

Tuy nhiên, với giá dầu chỉ trên dưới 30 USD/thùng hiện nay, doanh thu bán dầu sẽ giảm đi gần một nửa. Một kỹ sư lâu năm trong ngành dầu khí cho hay với chi phí sản xuất một thùng dầu của Vietsovpetro vào khoảng 24 USD (năm 2015), việc giá dầu đứng ở mức thấp hiện nay sẽ khó kỳ vọng có lãi.

Và để cắt giảm chi phí, Vietsovpetro đã phải tạm dừng hoặc giãn một số dự án tìm kiếm, thăm dò có chi phí cao. “Chúng tôi phải tạm dừng việc thăm dò, tìm kiếm ở một số vùng biển xa, rủi ro cao để có đủ tiền chi tiêu cho những việc cấp thiết trước mắt. Với những chi phí trên bờ, chỉ chi tiêu đối với những dự án thật sự cần thiết, thiết thực” - ông Nguyễn Thế Kim, chánh văn phòng Đảng ủy Vietsovpetro, nói.

Theo một kỹ sư của Vietsovpetro, việc khoan, thăm dò dầu khí là để gia tăng trữ lượng nên việc dừng thăm dò cũng sẽ nhiều rủi ro bởi không có hàng để bán trong tương lai nếu giá dầu tăng trở lại.

“Việc tạm hoãn khoan, thăm dò để gia tăng trữ lượng dầu khí có nghĩa sẽ ảnh hưởng đến chiến lược phát triển ổn định và lâu dài. Nhưng trong bối cảnh này, không ai dám bỏ hàng chục triệu đôla Mỹ để đi khoan thăm dò, tìm kiếm” - vị này phân tích.

Ngoài ra, với những giếng có sản lượng ít, thu không đủ bù chi, Vietsovpetro phải chuyển đổi thành những giàn khai thác đầu giếng để giảm từ hơn bốn chục nhân công vận hành trước đây xuống chỉ còn hơn chục người mỗi giàn. Vietsovpetro đã chuyển bốn giàn gồm MSP 3, 5, 7 và 11 (khu vực mỏ Bạch Hổ) thành những giàn nhỏ hoặc đóng giàn.

Giá dầu giảm sâu sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế tạo giàn khoan dầu khí. Trong ảnh: bãi chế tạo giàn khoan dầu khí ở cảng hạ lưu PTSC, TP Vũng Tàu - Ảnh: Đ.Hà

Chi tiết kiệm, giảm nhân sự!

Trong bối cảnh giá dầu thế giới giảm sâu, Vietsovpetro cũng đã xây dựng các kịch bản khác nhau để đối phó, trong đó câu chuyện lớn nhất là tiết kiệm tối đa, chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”. Cụ thể, liên doanh này đã tổ chức nhiều cuộc làm việc để rà soát từng hạng mục công việc, từng hạng mục chi phí. Có những hạng mục trong kế hoạch tài chính đã cắt giảm vào cuối năm, nay lại phải tiếp tục xem xét cắt giảm nữa.

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, Vietsovpetro sẽ giảm khoảng 2.000 nhân sự. Trong đó, năm 2015 liên doanh này đã cắt giảm 400 chức danh biên chế, 204 cán bộ công nhân viên (CBCNV) xin nghỉ hưu trước thời hạn và trong chỉ chưa đầy hai tháng đầu năm nay có thêm hơn 200 CBCNV xin nghỉ hưu sớm.

Ông Kim cho biết trong năm 2015 doanh nghiệp này đã giải thể một số đơn vị thành viên như: xí nghiệp vận tải ôtô, xí nghiệp khai thác các tòa nhà văn phòng và công trình phi sản xuất... Ngoài ra, Vietsovpetro cũng thực hiện nhiều đợt hoàn thiện cơ cấu tổ chức nội bộ, như sáp nhập các phòng ban, xưởng, bộ phận sản xuất có các chức năng trùng lặp nhằm tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

“Ngoài những đơn vị, bộ phận bị thu hẹp sản xuất đương nhiên sẽ giảm số lao động, nhưng cũng nhiều chỗ có khối lượng công việc không giảm mà số lao động giảm cũng làm tăng áp lực cho những CBCNV còn lại. Tuy vậy, nhìn chung người lao động rất đồng cảm, chia sẻ với khó khăn chung và hết sức cố gắng để hoàn thành công việc” - ông Kim nói.

Đặc biệt, Vietsovpetro cũng thực hiện hàng loạt giải pháp “thắt lưng buộc bụng” khác như tăng thời gian đi biển từ hai lên ba tuần để giảm chi phí vận chuyển người bằng máy bay trực thăng, giảm trung bình 10% lương chức danh tất cả cán bộ lãnh đạo quản lý, cắt giảm quỹ thưởng bằng 28% lương chức danh toàn Vietsovpetro và không phân bổ quỹ phúc lợi năm 2016.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng phải cắt giảm tối đa chi phí ôtô đưa đón CBCNV đi công tác, đi làm, thậm chí kể cả xe phục vụ lãnh đạo. “Chúng tôi xác định phải vượt qua giai đoạn khó khăn này để đứng vững, phát triển. Hiện chúng tôi đang thuê đơn vị tư vấn để sắp xếp lại, hoàn thiện cơ cấu doanh nghiệp” - ông Kim cho biết.

Nhà đầu tư nước ngoài “bỏ của chạy lấy người”

Không riêng gì Vietsovpetro, theo ông Lê Minh Hồng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN (PVN), việc giá dầu giảm mạnh trong năm 2015 đã ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của PVN cũng như các doanh nghiệp thành viên. Và năm 2016, với việc giá dầu đứng ở mức thấp sẽ tiếp tục gây “muôn vàn khó khăn” cho các đơn vị thành viên.

Để đối phó với tình hình khó khăn này, PVN đã thực hiện hàng loạt giải pháp như cắt giảm nhân sự, tiết kiệm chi phí, giảm sản lượng khai thác... Cụ thể, năm 2015 PVN phải cắt giảm chi phí khoảng 60.000 tỉ đồng (gần 3 tỉ USD), trong đó chi phí quản lý giảm 544 tỉ đồng, giá dịch vụ giảm trên 5.900 tỉ đồng, cơ cấu lại nhiệm vụ giúp giảm 53.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, PVN cho biết chi phí khai thác cũng giảm tối đa, khoảng 12 USD/thùng, giúp giá thành khai thác tại hầu hết các mỏ của tập đoàn này xuống mức trung bình 24,4 USD/thùng. Đặc biệt, theo kế hoạch năm 2016, PVN sẽ cắt giảm lượng khai thác, trong đó dầu thô giảm khoảng 2 triệu tấn so với con số thực hiện năm 2015, xuống còn hơn 16 triệu tấn, giảm khoảng 1 tỉ m3 khí, còn khoảng 9,6 tỉ m3...

Theo báo cáo của PVN, do ảnh hưởng của giá dầu, nhiều dự án lọc hóa dầu cũng gặp những khó khăn nhất định.

Cụ thể, sau nhiều năm đàm phán để mua lại 49% vốn góp của PVN tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, vào cuối năm 2015, Tập đoàn Gazprom Neft (Nga) chính thức tuyên bố dừng đàm phán với lý do được Gazprom Neft đưa ra là một số đề nghị về cơ chế ưu đãi không được Chính phủ VN chấp nhận.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không loại trừ khả năng phía Nga gặp khó khăn nhất định do giá dầu giảm nên không quyết tâm trong việc mở rộng đầu tư vào Dung Quất. Tương tự, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar cũng đã chủ động xin rút lui, không tham gia dự án Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam (Long Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu)...

Việc đưa ra nhiều “yêu sách” về chính sách ưu đãi cũng là một cách mà nhiều đối tác nước ngoài dùng để trì hoãn tham gia góp vốn hay triển khai thực hiện các dự án lọc hóa dầu.

Chẳng hạn, với dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), trong khi các ngân hàng cho vay đưa ra các điều kiện vay cũng như giải ngân rất khắt khe, các nhà đầu tư nước ngoài lại đòi “quá nhiều điều kiện về ưu đãi”, trong đó có nhiều vấn đề chưa có quy định cụ thể, cần phải được thảo luận.

Chuyên đề