Đừng quên bồi dưỡng nhân lực

(BĐT) - Xung quanh việc xếp hạng nhà thầu tư vấn và chất lượng của đội ngũ tư vấn hiện nay, phóng viên Báo Đấu thầu đã có cuộc phỏng vấn ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - đơn vị được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao chủ trì xếp hạng nhà thầu tư vấn thường niên.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hiện chỉ có vài doanh nghiệp tư vấn có kinh nghiệm trên 30 năm
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hiện chỉ có vài doanh nghiệp tư vấn có kinh nghiệm trên 30 năm

4 năm qua, Bộ GTVT đều giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông định kỳ xếp hạng nhà thầu tư vấn, theo ông những khó khăn trong việc xếp hạng nhà thầu tư vấn hiện nay là gì?

Hiện nay, có nhiều tổ chức tư vấn xây dựng trong ngành GTVT tham gia vào các gói thầu/dự án thuộc nhiều lĩnh vực và loại công trình khác nhau, nên việc tổng hợp, phân loại đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, nhân lực. Thực tiễn quá trình đánh giá và xếp hạng nhà thầu tư vấn những năm gần đây đã cho thấy, một số tổ chức tư vấn không kịp thời cập nhật thông tin và gửi báo cáo đánh giá, tự chấm điểm năng lực hoặc gửi chậm và chất lượng của báo cáo chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, để việc đánh giá, xếp hạng nhà thầu tư vấn chính xác thì đòi hỏi các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải xây dựng bộ máy chuyên trách đủ năng lực để đánh giá các tổ chức tư vấn do mình quản lý và cung cấp thông tin chính xác để Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tổng hợp và có cơ sở đánh giá một cách khách quan và công bằng.

Đừng quên bồi dưỡng nhân lực ảnh 1
Ông Phan Quang Hiển
Vì sao việc đánh giá xếp hạng nhà thầu tư vấn khó khăn như vậy nhưng Bộ GTVT vẫn tiến hành hàng năm?

Tôi cho rằng, việc triển khai thực hiện đánh giá chất lượng của đội ngũ tư vấn định kỳ hàng năm là rất cần thiết, bởi vì dựa vào kết quả đánh giá sẽ giúp các chủ đầu tư có dữ liệu, thông tin trong việc xem xét, lựa chọn đơn vị tư vấn đối với các gói thầu thực hiện chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế. Hơn nữa, kết quả xếp hạng đánh giá này cũng sẽ giúp Bộ GTVT, các chủ đầu tư, các Tổng cục, Cục quản lý chuyên ngành, các Sở GTVT nắm rõ được tình hình hoạt động của các tổ chức tư vấn giám sát ngành GTVT trong cả nước, tạo điều kiện cho việc hoạch định cơ chế, chính sách, quản lý sát với thực tiễn; tăng cường quản lý chất lượng hoạt động tư vấn, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng công trình giao thông.

Quá trình đánh giá xếp hạng đội ngũ nhà thầu tư vấn thời gian qua cũng đã được dư luận ghi nhận là góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, giúp các tổ chức, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc tìm kiếm, lựa chọn đối tác qua việc khai thác cơ sở dữ liệu minh bạch, tin cậy được công bố rộng rãi và cập nhật định kỳ; đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức tư vấn khẳng định vị trí và phát triển, quảng bá thương hiệu trên thị trường; tự xem xét, đánh giá năng lực thực tế của chính mình, nhận biết những điểm hạn chế để có kế hoạch khắc phục, nâng cao sức cạnh tranh. 

Theo ông, khó khăn của các nhà thầu tư vấn hiện nay là gì?

Theo thống kê sơ bộ, các doanh nghiệp tư vấn hiện nay hầu hết có độ tuổi trung bình trên dưới 15 năm. Chỉ một vài doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm 30 - 40 năm trở lên. Đa số các doanh nghiệp tư vấn chủ yếu tập trung vào kinh doanh, chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực nên chưa đủ lực lượng cán bộ kỹ thuật cần thiết đáp ứng yêu cầu của các dự án lớn, phức tạp và gặp nhiều khó khăn khi chuyển tiếp giữa các thế hệ kỹ sư tư vấn.

Bên cạnh đó, quy mô của các tổ chức tư vấn hiện cũng rất khác nhau, ngoài Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) hoạt động với mô hình công ty mẹ và các công ty thành viên thì hiện có gần 1.500 công nhân viên chức, một số công ty tư vấn khác có trung bình từ 100 - 200 người, đa số còn lại có một vài chục cán bộ/tổ chức tư vấn. Thực tế cũng cho thấy, có một số công ty mới thành lập hoặc các công ty TNHH thì chỉ có bộ khung biên chế, thậm chí là vài người, khi cần thì huy động hoặc thuê mượn nhân sự tư vấn ở nơi khác. Với thực trạng như vậy, có thể thấy rằng, mặc dù có số lượng tương đối nhiều, nhưng các doanh nghiệp tư vấn xây dựng ngành giao thông có chất lượng nói chung là thiếu và rất ít doanh nghiệp có định hướng phát triển rõ ràng. Đối với nhiều đơn vị tư vấn vẫn thiếu tính chuyên nghiệp. Thêm vào đó, tính độc lập của đa số các đơn vị tư vấn là chưa cao. 

Các nhà thầu tư vấn cần phải làm gì để vượt qua khó khăn đó, thưa ông?

Để vượt quá các khó khăn như đã đề cập ở trên, các tổ chức tư vấn cần phải chủ động thay đổi cho phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay, cụ thể cần xem xét, nghiên cứu một số giải pháp như: Chấn chỉnh, khắc phục các thiếu sót, tồn tại hiện nay để nâng cao chất lượng của dịch vụ tư vấn, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, tiến độ, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân của các dự án. Tôi cũng cho rằng, các đơn vị tư vấn hiện nay cần phải chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của đơn vị mình với các mục tiêu cụ thể; nghiên cứu đổi mới mô hình doanh nghiệp, quản lý doanh nghiệp. Để nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, các tổ chức tư vấn cần thường xuyên tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, hiểu biết pháp luật, đặc biệt là các quy định về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, cho đội ngũ cán bộ tư vấn. Và một điều không thể thiếu ở các đơn vị tư vấn là phải nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ tư vấn đối với xã hội, đối với sự nghiệp xây dựng ngành GTVT. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư vấn cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết với tư vấn nước ngoài; tăng cường nghiên cứu, đề xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các công trình, dự án cụ thể.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên đề