Đột biến về số DN thành lập mới

(BĐT) - Số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới tiếp tục lập kỷ lục mới trong năm 2017, với gần 127.000 DN, tăng hơn 15% so với năm 2016. Đây là một trong những kết quả ấn tượng vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) công bố.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

DN thành lập mới tăng hơn 15%

Theo Báo cáo tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) tháng 12/2017 và năm 2017 của Bộ KH&ĐT, trong tháng 12 năm 2017, cả nước có 10.814 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 164.092 tỷ đồng, giảm 1% về số DN và tăng 49,3% về số vốn đăng ký so với tháng 11/2017. Số vốn đăng ký bình quân trên một DN thành lập mới trong tháng 12/2017 đạt 15,2 tỷ đồng, tăng 50,8% so với tháng 11/2017. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong tháng 12 là 96.306 lao động, tăng 8,7% so với tháng trước. Số DN quay trở lại hoạt động là 1.245 DN, giảm 7% so với tháng 11/2017.

Tính chung cả năm 2017, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động là 153.307 DN, trong đó, có 126.859 DN thành lập mới và 26.448 DN quay trở lại hoạt động. 

Tổng số vốn đăng ký mới trong năm là 3,165 triệu tỷ đồng, trong đó số vốn đăng ký của DN đăng ký thành lập mới là 1,295 triệu tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các DN tăng vốn là 1,8 triệu tỷ đồng (35.276 lượt DN đăng ký bổ sung vốn).

Bình luận về sự tăng trưởng ấn tượng của số DN thành lập mới, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Những quy định cởi mở của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư ngày càng phát huy tác dụng trên thực tiễn. Người dân và DN tin tưởng vào chính sách, họ sẵn sàng bỏ vốn mở DN để sản xuất, kinh doanh”.

Ấn tượng với kết quả nêu trên, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đánh giá, sau Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 năm 2017, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã thuận lợi hơn rất nhiều. Nhiều dự án đầu tư của Nhà nước ở các tỉnh, thành phố đều công khai, minh bạch để thu hút các nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vốn đầu tư vào Việt Nam qua cả hai kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Thị trường chứng khoán cũng có nhiều bước tiến trong thời gian qua, nhiều DN đã quay lại với thị trường. 

Tạo đà cho năm 2018

Dự cảm về năm 2018, hầu hết các ý kiến cho rằng sang năm 2018, tình hình đăng ký DN thành lập mới và “sức khỏe” của DN Việt Nam sẽ ngày càng tốt lên. Bà Minh tin tưởng, với đà tăng trưởng kinh tế tốt của năm 2017, môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, chắc chắn năm 2018 con số DN thành lập mới sẽ tiếp tục tăng.

Ông Mạc Quốc Anh nhận định, với đà tăng trưởng tốt và môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ trong năm nay, năm 2018 DN sẽ có thêm nhiều niềm tin để phát triển sản xuất. “Bản thân các DN lớn sẽ thành lập thêm các DN nhỏ để tạo thành chuỗi giá trị. Các DN nước ngoài sẽ tiếp tục phát triển và mời gọi thêm các DN với quy mô vừa đầu tư vào Việt Nam”, ông Quốc Anh nhìn nhận.

Dù khá lạc quan về triển vọng DN thành lập mới trong năm tới, song một số chuyên gia, DN cho rằng, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Những chính sách nào đã được ban hành cần được thực hiện nghiêm túc, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Đơn cử như việc trong năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hẳn một Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN, yêu cầu tập trung chỉ đạo khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN; trường hợp kế hoạch thanh tra trùng lặp, chồng chéo với hoạt động kiểm toán nhà nước thì các bên liên quan chủ động phối hợp, đảm bảo sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán, không làm cản trở hoạt động bình thường của DN. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít đơn vị chưa làm được điều này.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Đặng Quang Vinh, chuyên gia thuộc Ban Môi trường kinh doanh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, số DN thành lập mới năm 2017 khá ấn tượng, tuy nhiên vẫn tập trung cao ở lĩnh vực bất động sản; bán buôn, bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy. Đây là các ngành nghề không phục vụ nhiều cho sản xuất, kinh doanh mang tính bền vững.

Chuyên đề