Doanh thu của VEC tăng 20% nhờ lưu lượng xe tăng nhanh

Tốc độ tăng trưởng phương tiện trên toàn mạng do VEC quản lý lên tới 26% trong 6 tháng đầu năm, doanh thu tăng 20% so với năm trước...
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Theo thống kê, tính đến tháng 6/2017, các tuyến đường cao tốc mà Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư, quản lý đã phục vụ 95 triệu lượt phương tiện an toàn và thông suốt, với lưu lượng trung bình hiện tại đạt 85.000 - 100.000 lượt phương tiện/ngày đêm. 

Năm 2016, tổng lưu lượng và doanh thu thu phí tăng trên 30% so với năm trước đó. 

Riêng trong nửa đầu năm nay, đã có 18,4 triệu lượt phương tiện qua lại các tuyến cao tốc VEC quản lý, tăng 26% về lưu lượng và trên 20% về doanh thu so với cùng kỳ năm 2016. 

Trong đó, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đón 6,57 triệu lượt phương tiện, tăng 35% so cùng kỳ năm ngoái. Con số tương ứng trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là 4,3 triệu lượt, cao hơn cùng kỳ 25%; có 7,57 triệu lượt phương tiện được phục vụ trên tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây, vượt xa lưu lượng cùng kỳ năm ngoái.

Trong tổng số 750 km đường bộ cao tốc trên toàn quốc đã đưa vào khai thác, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đóng góp gần 50% với 3 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai và Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.

Mới đây, VEC đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông Vận tải chuyển nhượng quyền khai thác dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Việc nhượng quyền vận hành khai thác dự án đường cao tốc là đặc thù, chưa có tiền lệ tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, ông Mai Tuấn Anh - Tổng giám đốc VEC cho rằng, mục đích của nhượng quyền thu phí tuyến cao tốc nay là huy động vốn đầu tư cao tốc trong bối cảnh nợ công tăng cao, huy động vốn gặp nhiều khó khăn.

VEC tính toán giá trị nhượng quyền khai thác dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có thời hạn 30 năm, lợi nhuận kỳ vọng của nhà đầu tư là 14% và lãi vay ngân hàng 8,5%. Giá trị VEC nhận được từ nhượng quyền ước tính khoảng 9.171 tỷ đồng.

Trên cơ sở đó, VEC kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải hàng loạt cơ chế như đề xuất Chính phủ thí điểm giao VEC đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, có kinh nghiệm, năng lực trong vận hành, khai thác đường cao tốc; Chính phủ chấp thuận chủ trương về cơ chế chia sẻ rủi ro đối với nhà đầu tư, gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh rủi ro về chuyển đổi ngoại tệ và bảo lãnh tỷ giá hối đoái...

Chuyên đề