Doanh nghiệp “tố” Hải Phòng tận thu

(BĐT) - Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) cùng một loạt hiệp hội doanh nghiệp vừa tổ chức cuộc họp bàn về việc kiến nghị bỏ quy định tại Nghị quyết số 148/2016/NQ-HĐND về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Mức phí quá cao

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó Tổng thư ký VPSF cho biết, tổ chức này đã 2 lần có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc thu phí này. Cuộc họp này diễn ra nhằm tiếp tục ghi nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về các tác động của việc thu phí.

Theo phản ánh từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản, với mức thu như quy định tại Nghị quyết 148 thì cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ phát sinh chi phí phải trả lên đến cả tỷ đồng/năm/doanh nghiệp. Cụ thể, với Tổng công ty May 10 chi phí phát sinh theo quy định này sẽ vào khoảng 2,18 tỷ đồng; Công ty May Tinh Lợi là trên 2,2 tỷ đồng…

Nhóm chuyên gia thuộc VPSF cho biết với mức thu phí mới, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều con số 1.500 tỷ đồng mà HĐND TP. Hải Phòng dự kiến. Đây là mức phí quá cao, thêm vào đó có dấu hiệu phí chồng phí, tận thu, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, Phó Tổng thư ký VPSF nhận xét.

Trong khi đó, toàn bộ các đơn hàng, hợp đồng, giá sản phẩm và dịch vụ liên quan cho năm 2017 đều đã đàm phán, ký kết với các đối tác trước đó.

Việc doanh nghiệp “lúng túng” trước sự việc này là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bởi chính quyền Hải Phòng ban hành Nghị quyết 148 khá cập rập. “Cuối tháng 12/2016 ban hành mà 1/1/2017 đã áp dụng. Quá đột ngột. Doanh nghiệp không kịp trở tay”, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ nói.

Không chỉ có “vấn đề” trong cách ban hành văn bản, các doanh nghiệp cũng tố ra hàng loạt những bất cập từ nội dung Nghị quyết số 148 của Hải Phòng. Cụ thể, theo Phó tổng thư ký VPSF, quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết đã có nhiều điểm không hợp lý khi không thực hiện các trình tự theo quy định như lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp của quy định (là thành viên các hiệp hội, các doanh nghiệp); đăng tải trên cổng thông tin điện tử thành phố tối thiểu 30 ngày hay đánh giá tác động từ việc ban hành chính sách này.

VPSF cũng chỉ ra quy định thu phí của Hải Phòng còn vi phạm Điều 3, GATT của WTO về đối xử quốc gia, đã được nội luật hoá thành Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia năm 2000 và hàng loạt hiệp định song phương khác mà Việt Nam đã ký kết khi chỉ áp dụng phí này với hàng xuất nhập khẩu mà không áp dụng với hàng trong nước. 

Doanh nghiệp cầu cứu Thủ tướng

Nhóm chuyên gia thuộc VPSF cho biết với mức thu phí mới, Hải Phòng sẽ thu ít nhất 2.300 tỷ đồng, lớn hơn rất nhiều con số 1.500 tỷ đồng mà HĐND TP. Hải Phòng dự kiến.
Bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, sau khi bị buộc phải nộp khoản phí nói trên, nhiều doanh nghiệp Nhật nói họ cảm thấy “choáng váng”.

Họ “choáng” vì sao lại có thể thu phí khi chưa làm xong hạ tầng, chưa kể việc thu phí cũng cần phải minh bạch các khoản cũng như lý do thu phí. Trung bình 1 container 40 feet nộp tất cả thuế phí hết hơn 4 triệu đồng nhưng đường cao tốc vào đến cảng mất tới 500.000 đồng. “Doanh nghiệp Nhật Bản nói họ không thể hiểu được vấn đề gì đang diễn ra. Trong công văn mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản đã đề nghị dừng việc thu phí này”, bà Huyền cho biết và kiến nghị, nếu thật sự cần thiết thu phí, phải làm một cuộc điều tra phân tích rõ ràng: cần bao nhiêu chi phí, để làm những việc gì và cần thu trong bao lâu để bù đắp chi phí cho Hải Phòng?

Bên cạnh việc thu phí cao một cách bất ngờ, Hải Phòng còn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy tờ thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ cảng biển trong hồ sơ thông quan.

Theo VPSF, từ khi áp dụng quy định mới, thủ tục thông quan, nộp phí tại cảng Hải Phòng kéo dài tới 2 - 3 tiếng. Gần 20% doanh nghiệp sau khi thực hiện xong thủ tục phải đợi đến cuối giờ chiều. Đại diện VPSF cho rằng, đây là một sự lãng phí đối với doanh nghiệp. Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có ý kiến không được yêu cầu thêm giấy tờ ngoài hồ sơ, Hải quan Hải Phòng đã bỏ yêu cầu có biên lai khi thông quan, nhưng vẫn yêu cầu nộp biên lai ở khâu giám sát hàng hóa cụ thể trước khi lên xuống tàu.

Trao đổi riêng với phóng viên, ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký VPSF cho hay, cộng đồng doanh nghiệp đang phản ứng rất mạnh mẽ nghị quyết này. Ông Giám lo ngại động thái này của Hải Phòng sẽ khiến hàng loạt địa phương ban hành thêm phí để tăng thu bù chi. Nghị quyết này làm sụt giảm niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam, đi ngược hoàn toàn quan điểm về chính phủ kiến tạo và hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.

Đứng trước hàng loạt những khó khăn từ quy định thu phí của Hải Phòng, cộng đồng doanh nghiệp đã có kiến nghị lên Thủ tướng xem xét việc đình chỉ thực hiện Nghị quyết 148 để đánh giá lại theo hướng làm rõ kết cấu phí và mức phí hợp lý. Tính đúng, tính đủ phí doanh nghiệp phải nộp. Đồng thời cần có đánh giá tác động chính sách liên quan trên bình diện quốc gia và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chuyên đề