Doanh nghiệp thép “đắc lợi” dài hạn?

Số liệu thống kê về sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 3 và quý I/2016 vừa được công bố mới đây của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và các DN đứng đầu trong ngành thép cùng cho thấy sự tăng trưởng đột biến. Mặc dù vậy, ngành thép vẫn rất thận trọng, bởi thị trường thép vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn do khả năng dư cung.
Dù tiêu thụ thép khả quan trong quý I, song sức ép dư cung vẫn đè nặng lên các DN ngành thép
Dù tiêu thụ thép khả quan trong quý I, song sức ép dư cung vẫn đè nặng lên các DN ngành thép

Cầu nội địa mạnh mẽ, sản xuất và tiêu thụ đạt kỷ lục

Cụ thể, theo VSA, tổng khối lượng thép xây dựng tiêu thụ trong quý I/2016 đạt tới 2.021.000 tấn, tăng trưởng hơn 56% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, lượng thép xuất khẩu chỉ là 97.000 tấn, như vậy, có tới 1.924.000 tấn thép được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 3, lượng thép xây dựng tiêu thụ đã đạt trên 1.011 triệu tấn, chiếm một nửa của toàn quý I và tăng mạnh 55,2% so với tháng 3 năm ngoái. Con số này cũng đã vượt xa mức ước tính hơn 730.000 tấn của VSA vào thời điểm cuối tháng 3 vừa qua và là mức kỷ lục của ngành thép từ trước tới nay.

Số liệu tình hình sản xuất và tiêu thụ của một số DN lớn trong ngành thép cũng cho thấy mức tăng trưởng vượt bậc. Cụ thể, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép miền Nam, công ty con của Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết, trong quý I vừa qua, Công ty đạt mức tăng trưởng mạnh trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Sản xuất phôi đạt 145.000 tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất thép cán dài đạt 127.000 tấn, tăng 27%; với toàn bộ công suất được huy động vượt 20% so với công suất thiết kế. Mức tiêu thụ trong kỳ tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 127.000 tấn. Tính chung, mức tiêu thụ đạt 100% công suất sản xuất.

Riêng tháng 3, kết quả tăng trưởng ở các lĩnh vực đều đạt cao nhất, vượt xa so với 2 tháng đầu năm. Trong đó, sản xuất phôi 54.000 tấn; sản xuất thép cán đạt 48.000 tấn; mức bán hàng đạt 61.000 tấn, tăng 35% so với cùng kỳ. Theo ông Phúc, đây là mức tăng trưởng tốt và nằm trong dự báo của Công ty. Với kết quả này, Thép Miền Nam đã hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận mà Tổng công ty Thép giao phó.

Như vậy, quý I/2016, Tổng công ty Thép Việt Nam đang dẫn đầu thị trường với mức tiêu thụ đạt 877.000 tấn, tăng 52,9% so với quý I/2015. Trong đó, riêng tháng 3/2016 đạt 455.000 tấn, tăng 57,8% so với tháng 3/2015.

Ngoài ra, Thép Hòa Phát cũng đạt mức tiêu thụ ấn tượng trong quý I vừa qua với xấp xỉ 400.000 tấn, tương ứng 19,54% thị phần. Tiếp đó, CTCP Thép Việt (Pomina) đạt gần 238.000 tấn, tương ứng 11,76% thị phần.

Theo đánh giá của VSA, có nhiều nguyên nhân tạo nên sự đột biến cả về sản lượng sản xuất và tiêu thụ như trên, nhưng chủ yếu là do nhu cầu thép phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là tại thị trường trong nước.

Đại diện VSA cho biết, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2016, tổng khối lượng bán hàng thép các loại tăng trên 100% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép xây dựng tăng 56,5%. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch VSA, do tháng 3 là mùa xây dựng nên nhu cầu thép cũng tăng mạnh. Cùng với đó, giá thép thời gian qua đã tăng mạnh do tâm lý đầu cơ trước tác động của việc áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. 

Khó khăn vẫn tiểm ẩn vì dư cung

Theo nhận định của ông Nguyễn Đình Phúc, mặc dù trong quý I có mức tăng trưởng tốt, song năm 2016 vẫn sẽ là một năm khó khăn đối với ngành thép khi thị trường vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ cung lớn hơn cầu.

“Sản lượng thép Trung Quốc vẫn dư thừa lớn và chưa thấy tín hiệu khả quan từ thị trường này. Việt Nam chung biên giới cả đường bộ lẫn đường thủy với Trung Quốc thì mức độ ảnh hưởng càng nghiêm trọng hơn. Với chính sách bán giá rẻ để tăng tiêu thụ, dự báo sản xuất của các DN thép trong nước sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do khó cạnh tranh về giá so với thép nhập khẩu từ Trung Quốc”, ông Phúc phân tích.

Cũng theo ông Phúc, không chỉ các DN thép Việt Nam, mà ngay cả Tập đoàn TaTa, một tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất thép, cũng đang rao bán các nhà máy ở Anh do gặp khó khăn trước tình trạng dư cung.

Mặc dù vậy, ông Phúc cho rằng, khả năng tăng trưởng của thị trường thép từ nay đến cuối năm là khả quan. “Với dự báo GDP tăng 6,2% trong năm nay thì nhu cầu thép tăng trưởng khoảng từ 15-20%. Đồng thời, các công trình xây dựng trọng điểm của quốc gia như cầu đường, công trình điện và các chung cư đã khởi công năm 2015, nhu cầu sử dụng vật tư sắt thép vẫn còn. Vì vậy, việc tăng trưởng thép năm 2016 là khả thi”, ông Phúc nhận định và cho biết, để đón đầu cơ hội này, Thép Miền Nam dự kiến trong năm nay sẽ vận hành toàn bộ công suất và tiêu thụ hết sản phẩm để đạt mục tiêu sản xuất phôi khoảng 550.000 tấn, thép cán sản xuất và tiêu thụ khoảng 450.000 tấn.

Tương tự, dù cho rằng xu hướng tăng trưởng chưa có dấu hiệu chắc chắn, song VSA cũng đưa ra dự báo khá tích cực về thị trường thép trong thời gian tới, bởi theo chu kỳ kinh doanh hàng năm, dự báo nhu cầu thép xây dựng sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng tới do đang trong mùa khô, thích hợp cho việc xây dựng.

Chuyên đề