Doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục xu hướng tăng

(BĐT) - Môi trường kinh doanh cải thiện tiếp tục tạo điều kiện tăng số lượng doanh nghiệp (DN) đăng ký gia nhập thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh trong quý I/2018. Đáng chú ý, số vốn đăng ký kinh doanh bất động sản vẫn được ghi nhận nhiều nhất, chiếm hơn 28% tổng vốn đăng ký mới.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tiếp đà tăng trưởng

Báo cáo tình hình chung về đăng ký DN tháng 3 và 3 tháng năm 2018 được Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố sáng 26/3 cho thấy, lượng DN thành lập mới tiếp tục xu hướng tăng.

Trong tháng 3, cả nước có 8.082 DN được thành lập mới với số vốn đăng ký là 81.156 tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và giảm 18,0% về số vốn đăng ký so với tháng 2/2018. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN trong tháng khoảng 10 tỷ đồng. Số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là gần 69.000 người.

Tính chung trong 3 tháng đầu năm, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là 35.234 DN, trong đó có 26.785 DN thành lập mới và 8.449 DN quay trở lại hoạt động. Tổng số vốn đăng ký trong 3 tháng qua đạt gần 764.000 tỷ đồng, bao gồm số vốn đăng ký của DN đăng ký thành lập mới là 278.489 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn là 485.475 tỷ đồng với 7.893 lượt DN đăng ký bổ sung vốn. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN đạt 10,4 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái.   

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, số lượng DN thành lập mới và số vốn đăng ký trong quý I năm nay có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015 - 2018. So sánh giữa quý I/2018 và quý I/2015, số lượng DN thành lập mới tăng 1,4 lần, số vốn đăng ký tăng 2,5 lần và tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một DN tăng 1,8 lần.

Bên cạnh điểm sáng đáng chú ý nêu trên, Báo cáo cũng đưa ra một con số rất đáng lưu ý về số DN tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể trong tháng 3 là gần 2.500 DN, tăng 57,3% so với tháng 2/2018.

Nhận xét về con số này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, trong một môi trường kinh doanh mà quá trình cạnh tranh diễn ra mạnh mẽ thì xu thế sàng lọc sẽ diễn ra gay gắt hơn. Theo đó, những DN nào không đáp ứng yêu cầu thì buộc phải rút lui khỏi thị trường để nhường chỗ cho những DN có chất lượng tồn tại. Trong bối cảnh nước ta còn nhiều DN yếu thì số lượng DN tạm ngừng kinh doanh hoặc chờ đợi giải thể có tăng cũng phản ánh đúng tình trạng của DN hiện nay. “Bức tranh kinh tế quý I/2018 cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang tốt lên. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để Việt Nam sẽ có nhiều DN, góp phần phát triển kinh tế”, ông Nam nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, ông Nam không khỏi lo ngại khi bày tỏ, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam có 1 triệu DN, mà hiện nay số DN tăng lên so với số DN giảm đi nhìn về mặt số học cho thấy khó mà đạt được mục tiêu này. 

Vốn đăng ký kinh doanh bất động sản tăng mạnh

Cũng theo Báo cáo trên, trong quý I, lượng DN đăng ký tập trung nhiều nhất ở ngành bán buôn; bán lẻ; sửa chữa, ô tô, xe máy; tiếp đó là ngành xây dựng; công nghiệp chế biến, chế tạo; khoa học, công nghệ; dịch vụ tư vấn, thiết kế...

Đặc biệt, về số vốn đăng ký, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục là ngành có số vốn đăng ký mới nhiều nhất với hơn 79.000 tỷ đồng, chiếm hơn 28%; tiếp đến là xây dựng có hơn 42.000 tỷ đồng, chiếm hơn 15%; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy có 38.498 tỷ đồng, chiếm 13,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 28.980 tỷ đồng, chiếm 10,4%; sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 19.678 tỷ đồng, chiếm 7,1%...

Cho ý kiến về vấn đề này, TS. Đặng Quang Vinh, chuyên gia kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Đây là con số không đáng ngại, bởi lẽ đây là vốn đầu tư của DN chứ không phải vốn tín dụng từ ngân hàng “đổ” vào bất động sản nên khó có thể xảy ra rủi ro. Hơn nữa, điều này cũng chứng tỏ bất động sản vẫn là lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn so với các ngành khác”.

Tuy nhiên, để nền kinh tế thực sự phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao, các chuyên gia kinh tế đều chung quan điểm, Chính phủ cùng các bộ, ngành và địa phương cần quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ rào cản cho DN đầu tư vào những ngành kinh tế sản xuất, trong đó có công nghiệp chế biến, chế tạo.

Nhằm cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, ông Vinh cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao dự thảo một nghị quyết ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN. Theo chương trình này, Chính phủ đặt mục tiêu cắt giảm một cách đáng kể chi phí tuân thủ pháp luật, cả chính thức và phi chính thức; tạo dựng môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, dễ tiên liệu cũng như khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh. Dự kiến, dự thảo nghị quyết sẽ được trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 4/2018.

Chuyên đề