Doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng đâu trong hội nhập?

(BĐT) - Số lượng doanh nghiệp (DN) thành lập mới, số vốn đăng ký mới năm nào cũng tăng, nhưng dường như DN nội mãi vẫn không chịu lớn. “Muốn trưởng thành, DN Việt Nam phải xem lại vị trí của mình trong chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu”, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.
Để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước phải liên kết, hợp tác với nhau. Ảnh: Tường Lâm
Để nâng cao sức cạnh tranh, doanh nghiệp trong nước phải liên kết, hợp tác với nhau. Ảnh: Tường Lâm

Xét về quy mô vốn, số lượng DN thành lập mới thì lực lượng DN Việt Nam phát triển rất mạnh mẽ. Nhưng thực chất thì sao, thưa ông?

Năm 2015, cả nước có trên 94.750 DN thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 601.500 tỷ đồng, tăng 26,6% về số lượng và tăng hơn 39% về vốn đăng ký so với năm 2014. Nếu cộng cả số vốn tăng thêm của các DN đang hoạt động thì quy mô vốn bình quân của một DN đạt 6,3 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước. Tháng 1/2016, cả nước có thêm 8.320 DN, với số vốn đăng ký là 59.300 tỷ đồng, tăng 21,2% về số lượng và tăng 87% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Số vốn bình quân một DN thành lập mới tính đến đầu tháng 2/2016 đạt 7,1 tỷ đồng, tăng tới 54,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Con số thống kê này rõ ràng là hết sức ấn tượng. Nhưng xét về thực chất, ai cũng biết DN Việt Nam quá nhỏ cả về quy mô hoạt động, vốn, công nghệ lẫn thị trường. Chính vì nhỏ bé xét trên mọi phương diện nên cố gắng giữ được một phần thị phần trong nước đã là mục tiêu phấn đấu, nói gì đến đầu tư ra nước ngoài. 

Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa cho biết, trên 87% dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam có quy mô dưới 5 triệu USD, trong đó trên 66% dưới 1 triệu USD. Với tình hình này, ông có nghĩ rằng, DN nội địa giữ được thị phần trong nước?

Khi còn công tác ở DN (ông Nguyễn Ngọc Bảo từng là lãnh đạo Công ty CP Ống thép Việt - Đức) tôi đã đi công tác, khảo sát, tìm thị trường ở nhiều nước trong khu vực. Tôi nhận thấy rằng, ở các nước trên thế giới, tuyệt đại đa số DN cũng “nhỏ và vừa”, nhưng họ hoạt động rất bài bản, liên kết với nhau rất chặt chẽ để cùng nhau phát triển, dựa vào nhau để phát triển trên cơ sở thế mạnh của mỗi DN.

Một lần, tôi đi tìm mua thiết bị, máy móc cho Công ty, tôi đến một văn phòng chào bán thiết bị mình cần theo đúng chất lượng, giá cả. Để lấy niềm tin với khách hàng, họ dẫn tôi đi khắp khu phố tham quan và tôi thực sự bất ngờ khi cả con phố đó có hàng trăm DN, mỗi DN chỉ sản xuất vài ba chi tiết trong cả một thiết bị và khi lắp ráp các chi tiết, phụ tùng này lại với nhau thì cho ra một dây chuyền trị giá hàng triệu USD với chất lượng rất bảo đảm, giá thành cạnh tranh. Và chính các DN “tin hin” này đang đầu tư vào Việt Nam với số vốn chỉ 3 - 5 triệu USD và họ chỉ sản xuất một vài linh kiện cung cấp cho các nhà máy sản xuất cơ khí, ô tô, điện tử… có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tức là họ đang tham gia vào ngành công nghiệp hỗ trợ của nước ta với số vốn rất khiêm tốn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đứng đâu trong hội nhập? ảnh 1
Ông Nguyễn Ngọc Bảo
Theo ông thì DN nội địa cần học hỏi những điều gì?

Trước hết, phải biết liên kết, hợp tác với nhau, cùng tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu chứ đừng mạnh ai nấy chạy. Người ta làm sản phẩm này thì mình làm sản phẩm khác chứ đừng thấy người ta sản xuất ra sản phẩm có hiệu quả mình lại lao vào rồi cạnh tranh bằng cách hạ giá thành, giảm chất lượng. Thứ hai, phải chuyên tâm, chuyên sâu vào một số ngành hàng mình có lợi thế, có kinh nghiệm, đừng quá ôm đồm, tham lam. Vì với số vốn có hạn, trình độ quản lý, kinh nghiệm chưa nhiều, nếu cái gì cũng đầu tư, cả thương mại, du lịch, dịch vụ, bất động sản, xây dựng, sản xuất cơ khí, hóa chất… theo kiểu “công ty thương mại, dịch vụ, sản xuất tổng hợp” thì không thể kham nổi, phần thất bại nắm chắc trong tay. 

DN được tự do, tự chủ kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề vì thế không ai có quyền bắt họ phải sản xuất cái này, không sản xuất cái kia?

Đúng là DN có toàn quyền quyết định kinh doanh, không ai có quyền bắt hoặc cấm họ phải sản xuất, kinh doanh sản phẩm này, mặt hàng kia. Vấn đề là phải cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và đặc biệt là vai trò của truyền thông phải làm sao để cho DN hiểu rằng, trong bối cảnh kinh tế hội nhập hoàn toàn, nếu vẫn tư duy về tự do kinh doanh kiểu cũ thì hàng chục ngàn DN có vốn đầu tư nước ngoài rất nhỏ, vốn đăng ký chỉ 1-2 triệu USD sẽ chiếm hết thị phần cung cấp sản phẩm, chi tiết, phụ tùng cho các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam. 

Hội nhập đã được nói rất nhiều trên mọi diễn đàn, mọi phương tiện trong hàng thập kỷ. Từng là lãnh đạo DN, ông nhận thấy DN đã hiểu gì về hội nhập?

Đề cập đến các hiệp định thương mại tự do đang ở cuối lộ trình thực hiện và các hiệp định sắp thực hiện, DN nào cũng nói rằng, hội nhập kinh tế, mở cửa thị trường vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Nhưng hỏi lại thách thức gì, cơ hội ra sao thì DN rất mù mờ, chưa hiểu mình sẽ làm gì hoặc nếu phải làm thì ưu tiên làm những gì trước, bắt đầu từ đâu, quy trình, thủ tục, vốn liếng, nhân công… ra sao cũng rất tù mù.

Tôi cho rằng, DN phải hiểu được mình đang đứng ở đâu trong chuỗi sản xuất, phân phối toàn cầu và phải tập trung sản xuất, cung ứng một số sản phẩm mà mình có thế mạnh, kinh nghiệm, đừng quá ôm đồm, tham lam, cái gì cũng đầu tư, cái gì cũng sản xuất và phải hợp tác chặt chẽ với nhau. Nếu không thì chính các DN Việt Nam lại trở thành “vệ tinh” chuyên gia công sản phẩm cho các DN nhỏ có vốn đầu tư nước ngoài đang ào ạt vào nước ta để chiếm lĩnh ngành công nghiệp hỗ trợ - ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trong giai đoạn 5-10 năm tới.

Chuyên đề