Doanh nghiệp lớn trước nguy cơ khủng hoảng lãnh đạo kế cận

(BĐT) - Tháng 5 tới, ông Bình sẽ tổ chức sinh nhật lần thứ 60, tức là đã đến tuổi nghỉ hưu. Là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, FPT không bắt buộc phải thay tướng vào lúc này. Tuy nhiên, tìm một người kế nhiệm hiện vẫn đang là bài toán khó cho FPT khi có vẻ như ông Bình vẫn chưa biết nhường ghế tổng cho ai.
Tìm kiếm người kế nhiệm vẫn là bài toán khó giải đối với FPT. Ảnh: NC st
Tìm kiếm người kế nhiệm vẫn là bài toán khó giải đối với FPT. Ảnh: NC st

Không thể phủ nhận rằng, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có bề dày phát triển có hình ảnh gắn liền với những cá nhân lãnh đạo. Người lãnh đạo chính là hình ảnh, là uy tín của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã lâm vào tình trạng khốn đốn khi các lãnh đạo vướng vòng lao lý. Mặt khác, cái bóng quá lớn của các bậc tiền bối cũng là một thách thức với nhiều doanh nghiệp trong việc lựa chọn đội ngũ kế cận.

Khó từ doanh nghiệp tư nhân

Đã từ lâu, nhắc đến Công ty CP FPT, người ta nghĩ ngay đến ông Trương Gia Bình - một trong những thành viên sáng lập FPT và là cổ đông lớn nhất của “đế chế nghìn tỷ” này.

Ông Trương Gia Bình đồng thời là Tổng giám đốc đầu tiên của FPT và giữ vị trí này trong suốt 21, năm từ 1988 đến năm 2009. Sau đó, ông Nguyễn Thành Nam và ông Trương Đình Anh tiếp quản ghế nóng trong gần 3 năm rưỡi. Cuối cùng, sau khi ông Trương Đình Anh từ nhiệm vị trí TGĐ, ông Trương Gia Bình một lần nữa lại giữ trọng trách này.

Tháng 5 tới, ông Bình sẽ tổ chức sinh nhật lần thứ 60, tức là đã đến tuổi nghỉ hưu. Là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, FPT không bắt buộc phải thay tướng vào lúc này. Tuy nhiên, tìm một người kế nhiệm hiện vẫn đang là bài toán khó cho FPT khi có vẻ như ông Bình vẫn chưa biết nhường ghế tổng cho ai.

HĐQT FPT được cho là một trong những nhóm lãnh đạo “già” nhất trên thị trường chứng khoán với hầu hết thành viên ở độ tuổi 59 - 60. Thậm chí có thành viên tới 72 tuổi. Gần đây, công ty này bổ nhiệm một tân Phó Tổng giám đốc 59 tuổi.

Trong một buổi chia sẻ hồi tháng 10/2014, ông Trương Gia Bình thể hiện sự lo lắng khi lớp doanh nhân trẻ không có được những phẩm chất như ông kỳ vọng. Trong thư ngỏ gửi cán bộ công nhân viên khi ông Trương Đình Anh từ nhiệm, ông Bình thừa nhận thách thức của cá nhân ông trong việc tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Tập đoàn.

“Trẻ” hơn ông Trương Gia Bình, doanh nhân Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT, đồng thời là cổ đông lớn nhất của Tôn Hoa Sen cũng thừa nhận thách thức trong việc tìm kiếm đội ngũ kế cận. Ông Vũ, được biết với chính sách chỉ tuyển 9X làm Giám đốc chi nhánh - là tiêu chí dùng người cơ bản của Tôn Hoa Sen. Thế nhưng, doanh nhân Phật tử này cũng cho biết, xét về phẩm chất, sự cố gắng của thế hệ sau có nhiều điểm thua kém thế hệ mở đường đi trước. Ông dí dỏm lý giải nguyên nhân: “Vì cha chúng nó giàu hơn cha chúng tôi!”. 

… đến doanh nghiệp nhà nước

Khác với FPT và Tôn Hoa Sen, Dược Hậu Giang ít nhiều mang hơi hướng doanh nghiệp nhà nước khi SCIC đại diện nắm giữ tới 43,42% cổ phần tại đây. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, hình ảnh Dược Hậu Giang gắn liền với tên tuổi “nữ tướng” Phạm Thị Việt Nga, người phụ nữ từng có tên trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn.

Trong 10 năm từ 2004 đến 2014, bà Nga giữ ghế Chủ tịch HĐQT. Cũng trong thời gian đó, từ 2004 đến 2012, bà kiêm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty. Vai trò của bà Nga với Dược Hậu Giang là không thể phủ nhận.

Chính vì vậy, tháng 5/2014 thông tin Dược Hậu Giang thay tướng, đại diện SCIC là ông Hoàng Nguyên Học sẽ thay bà Nga giữ chức Chủ tịch HĐQT, bà Nga quay lại vị trí Tổng giám đốc, khiến giới đầu tư hết sức chú ý. Rất may, như bà Nga có lần cho biết, phương hướng kinh doanh, đường lối quản lý của đội ngũ lãnh đạo mới nhìn chung không có gì mâu thuẫn so với trước.

Với cá nhân bà Phạm Thị Việt Nga, bà hài lòng khi đứa con tinh thần của mình là Dược Hậu Giang đi đúng hướng, phát triển mạnh mẽ. Đúng với giá trị tinh thần đó, bà Nga nắm giữ không đáng kể cổ phần của Dược Hậu Giang, chỉ tương đương 0,23% vốn điều lệ công ty này. Tổng giám đốc Dược Hậu Giang cũng không “hướng” cho con cái theo ngành dược của mình, đơn giản vì không phù hợp với sở thích các con.

Trong thời gian tới, bà Nga sẽ rời khỏi Dược Hậu Giang mà không mang theo gì ngoài sự tôn trọng của mọi người, như bà đã từng chia sẻ. Hình ảnh một Dược Hậu Giang thiếu vắng nữ tướng Phạm Thị Việt Nga sẽ như thế nào, là điều mà giới đầu tư quan tâm.

Suy cho cùng, lựa chọn thế hệ lãnh đạo kế cận không đơn thuần là việc giữ gìn những quyền lợi kinh tế. Khi một cá nhân gắn bó máu thịt với một doanh nghiệp, sự phát triển của doanh nghiệp đó chính là niềm tự hào, là những giá trị tinh thần không thể đong đếm được.

Chưa bao giờ điều đó lại dễ dàng!

Chuyên đề