Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng vốn sớm

Vốn lớn, ngoài là một trong những nguồn lực then chốt giúp đạt kết quả kinh doanh khả quan, còn là điều mà các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ngoại thể hiện cam kết kinh doanh bảo hiểm dài lâu tại Việt Nam.
Dai-ichi Life Việt Nam đẩy mạnh tăng vốn ngay từ đầu năm 2016
Dai-ichi Life Việt Nam đẩy mạnh tăng vốn ngay từ đầu năm 2016

Bởi vậy, nhiều DNBH đã được công ty mẹ ở nước ngoài “rót” thêm vốn. 

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, trong năm 2015, có 13 DNBH thực hiện tăng vốn (5 DNBH nhân thọ và 8 DNBH phi nhân thọ) với tổng số tiền đạt 2.852 tỷ đồng. 

Trong đó, riêng các DNBH nhân thọ chiếm 1.096 tỷ đồng, bao gồm Manulife Việt Nam (tăng lên 975 tỷ đồng), Generali Việt Nam (tăng lên 1.651 tỷ đồng), Great Eastern Việt Nam (tăng lên 1.080 tỷ đồng), Fubon Life Việt Nam (tăng lên 1400 tỷ đồng), AIA (tăng lên 1.264,3 tỷ đồng). Cá biệt, có doanh nghiệp dù mới hoạt động 5 năm, nhưng đã tăng vốn tới 8 lần. 

Chưa dừng lại ở đây, kế hoạch tăng vốn tiếp tục được các DNBH đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2016. 

Khởi đầu là Dai-ichi Life Việt Nam, vào trung tuần tháng 1 vừa qua, doanh nghiệp này đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 72 triệu USD (1.141 tỷ đồng) lên 87 triệu USD (1.477 tỷ đồng). 

Tuy nhiên, ông Takashi Fujii, Chủ tịch HĐTV Dai-ichi Life Việt Nam cho hay, tiếp theo giai đoạn 1 (tăng vốn lên 87 triệu USD), Dai-ichi Life Việt Nam đang tích cực triển khai kế hoạch tăng vốn đầu tư giai đoạn 2 lên mức 100 triệu USD ngay trong quý I năm nay. Đây là lần thứ hai sau 9 năm đi vào hoạt động, Dai-ichi Life Việt Nam tăng vốn điều lệ để tăng cường mở rộng kinh doanh và đầu tư, nhằm hiện thực hóa kế hoạch trở thành nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ bảo hiểm nhân thọ hàng đầu tại Việt Nam. Với vốn điều lệ dự kiến 100 triệu USD, trong tương lai không xa, Dai-ichi Life Việt Nam sẽ trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ có mức vốn hóa lớn nhất tại thị trường Việt Nam. 

Một số DNBH ngoại khác cũng đang chờ đợi nguồn vốn công ty mẹ ở nước ngoài nhằm nâng cao năng lực tài chính. Dẫu vậy, nhưng không phải DNBH nào cũng “muốn là được”, bởi kế hoạch tăng vốn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nội lực của doanh nghiệp, hay kết quả tích cực trong hoạt động kinh doanh hiện tại, cũng như kế hoạch cụ thể trong tương lai để có thể thuyết phục công ty mẹ, nhất là công ty mẹ ở nước ngoài rót vốn. 

“Chúng tôi rất vui khi được công ty mẹ Dai-ichi Life Nhật Bản tin tưởng tiếp thêm vốn nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh đang phát triển rất tốt tại Việt Nam. Dai-ichi Life Việt Nam cam kết nỗ lực không ngừng để phát triển tối đa tiềm lực sẵn có, tăng cường mở rộng mạng lưới kinh doanh và liên tục hoàn thiện chất lượng dịch vụ nhằm phấn đấu đạt 10% thị phần ngành bảo hiểm nhân thọ vào cuối năm 2016”, ông Takashi Fujii cho biết thêm. Năm 2015, doanh nghiệp này đã đạt kết quả khả quan với tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt trên 3.500 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 40% so với năm 2014. 

Còn với Bảo Việt Nhân Thọ (do Tập đoàn Bảo Việt nắm 100% vốn điều lệ), “hàng nội” duy nhất trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt, theo nguồn tin riêng của Đầu tư Chứng khoán, cũng có kế hoạch tăng vốn từ 2.000 tỷ đồng lên 2.500 tỷ đồng ngay trong quý I này. 

Nếu hoàn tất việc tăng vốn, Bảo Việt Nhân thọ sẽ trở thành công ty có quy mô vốn điều lệ lớn nhất thị trường bảo hiểm, bao gồm cả khối bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ. Với mức vốn 2.000 tỷ đồng được duy trì suốt từ năm 2013 đến nay, Bảo Việt Nhân thọ hiện vẫn là doanh nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu thị trường bảo hiểm nhân thọ về quy mô vốn (bên cạnh Cathay Life Việt Nam, đang có vốn 2.007 tỷ đồng). Năm 2015, Bảo Việt Nhân thọ đạt mức tăng trưởng ấn tượng với tổng doanh thu phí bảo hiểm 10.100 tỷ đồng, tăng 26,9%; doanh thu khai thác mới ước đạt 2.309 tỷ đồng, tăng 23,2% so với cùng kỳ 2014 và lợi nhuận sau thuế ước đạt 635 tỷ đồng. 

Có thể thấy, với các DNBH nhân thọ, tăng vốn là một điều kiện không thể thiếu nhằm gia tăng năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu hoạt động kinh doanh ngày càng tăng, cũng như tăng cường năng lực phục vụ khách hàng, nhưng mục tiêu cốt lõi là để gia tăng thị phần. 

DNBH ngoại tăng vốn một phần thể hiện cam kết đầu tư/kinh doanh lâu dài, chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam. Còn với DNBH nội, đó là nhằm tăng cường, củng cố thêm sức mạnh, cũng như niềm tin công chúng. Đặc biệt với những DNBH nhân thọ thuộc Top đầu thị trường, trải qua nhiều năm hoạt động với lượng khách hàng lớn, vấn đề tăng vốn điều lệ càng trở nên cần thiết. Tất nhiên, việc hiện thực hóa các mục tiêu lại là chuyện khác, còn với các cổ đông/thành viên là công ty mẹ tham gia góp vốn, điều quan trọng vẫn là câu chuyện hiệu quả. 

Chuyên đề