DNNVV có thêm cơ hội tiếp cận vốn

(BĐT) - Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chính thức ra đời với kỳ vọng trở thành một “bệ phóng” tiếp sức cho nhiều doanh nghiệp hiện thực hóa, phát triển những ý tưởng kinh doanh mới.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Tháo bỏ rào cản về vốn

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, bên cạnh những trở ngại như môi trường kinh doanh chưa minh bạch, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực chất lượng thấp, trình độ quản lý còn hạn chế, rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay là thiếu vốn để khởi nghiệp, đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhiều năm qua, tình trạng khó tiếp cận các nguồn tài chính đã luôn kìm hãm sự phát triển và tính đổi mới, sáng tạo của DNNVV nói riêng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung. Việc thành lập SMEDF sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc này.

Bà Hoàng Thị Hồng, Giám đốc SMEDF cho biết, Quỹ có mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng trong năm đầu tiên 2016 và 1.500 tỷ đồng cho 3 năm tiếp theo. Từ năm 2016, SMEDF ủy thác cho các ngân hàng thương mại cho vay đối tượng hỗ trợ của Quỹ với mức lãi suất ưu đãi là 5,5% đối với khoản vay ngắn hạn và 7% với khoản vay trung và dài hạn. Lãi suất này được cố định trong suốt thời gian vay vốn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định, cân đối và quản lý tốt dòng tiền. Mức cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư của dự án, phương án sản xuất kinh doanh (không bao gồm vốn lưu động), tối đa 30 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm tối đa bằng 100% giá trị khoản vay. DNNVV có thể sử dụng tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm.

Các điều kiện vay vốn và trình tự, thủ tục, hồ sơ vay vốn cũng được Quỹ và các ngân hàng nhận ủy thác thiết kế theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho DNNVV dễ tiếp cận nguồn vốn. Bên cạnh đó, ngay trong năm nay, DNNVV đang hoặc dự định vay vốn của Quỹ sẽ được các chuyên gia giàu kinh nghiệm trực tiếp tham vấn tại cơ sở sản xuất để tư vấn quản lý tài chính, quản lý sản xuất. 

Hiện các ngân hàng nhận ủy thác của Quỹ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM. 

Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới

SMEDF ưu tiên cho vay nếu DNNVV có dự án, phương án sản xuất kinh doanh đáp ứng một trong những tiêu chí: sản phẩm đầu ra là các sản phẩm chất lượng cao, vật liệu mới, năng lượng mới; đổi mới trang thiết bị kỹ thuật làm tăng năng suất lao động, chế tạo, sử dụng công nghệ mới, công nghệ cao; năng lực quản trị; sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường; tạo nhiều việc làm mới, sử dụng nhiều lao động nữ. 
Theo bà Hoàng Thị Hồng, Quỹ chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động đổi mới phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường; đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ tiên tiến; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng thu nhập và tạo việc làm cho người lao động. Quỹ tuân thủ nguyên tắc hoạt động là bám sát với nhu cầu của doanh nghiệp trong mỗi giai đoạn phát triển, thông qua hai hình thức hỗ trợ tài chính và hỗ trợ tăng cường năng lực.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương đánh giá, việc thành lập SMEDF tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ nói chung và Bộ KH&ĐT nói riêng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát huy tối đa tiềm năng. Đây cũng là hành động thực thi chính sách thiết thực để hỗ trợ cộng đồng DNNVV vượt qua khó khăn. Ông Phạm Đại Dương hy vọng, ngoài hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc về vốn, Quỹ sẽ có thêm bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao tư duy quản trị, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biêt, hiện có rất nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đang từng bước hình thành những mô hình kinh doanh có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng nhanh thông qua ứng dụng những thành tựu khoa học, sáng chế, phát minh để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động, giá trị sản phẩm. Các doanh nghiệp này đang rất trông chờ vào hoạt động của Quỹ như một chỗ dựa, một “bà đỡ” để họ phát triển được những ý tưởng kinh doanh.

Theo ông Tô Hoài Nam, điều kiện cho vay của Quỹ tương đối tốt, khắc phục được các khó khăn trong tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng của DNNVV. Thứ nhất đó là vấn đề tài sản thế chấp, khoảng 30% DNNVV gặp khó khăn trong thế chấp tài sản để đi vay, Quỹ cho vay không yêu cầu thế chấp là mở ra dư địa rất lớn để DN tiếp cận. Thứ hai là về thủ tục cho vay được đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp dễ thực hiện hơn.

Chuyên đề