DN Việt khó gia nhập chuỗi cung ứng của khối FDI

(BĐT) - Sáng ngày 26/2, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm lần thứ sáu giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI). Cuộc tọa đàm này là hoạt động thường niên giữa hai bên nhằm góp phần hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư.
Để duy trì sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên
Để duy trì sức hút với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần nhanh chóng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Lê Tiên

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư được lựa chọn

Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, Việt Nam tiếp tục được thăng hạng về môi trường kinh doanh, lên thứ 68/190 nền kinh tế, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017. Chỉ số ngành sản xuất Việt Nam PMI do Nikkei công bố tháng 7/2018 cho thấy, Việt Nam đạt điểm cao nhất trong khu vực ASEAN, với mức 54,9 điểm. Điều này thể hiện sức mua và năng lực sản xuất của Việt Nam tăng ổn định liên tục.

Về phía các nhà đầu tư Nhật Bản, theo ông Yoshi Kobayashi - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mê Kông của JCCI, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư FDI và xuất khẩu hàng hóa. Do đó, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang có xu hướng dịch chuyển từ Trung Quốc, Thái Lan sang Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu so sánh tính cạnh tranh về chi phí với các quốc gia trong khu vực châu Á, ông Takaharu Oyama - Tổng giám đốc của AND Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam có mức lương thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực, nhưng chi phí sản xuất tại Việt Nam đang ở mức cao hơn Thái Lan và Trung Quốc, bởi phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện từ Trung Quốc.

Để giảm bớt gánh nặng chi phí sản xuất, AND Việt Nam muốn chuyển sang mua sắm phụ tùng, linh kiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam chưa phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản. Ngoài ra, đại diện AND Việt Nam chia sẻ, DN còn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đội ngũ quản lý cấp trung… 

Tìm giải pháp tăng tỷ lệ nội địa hóa

Để Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, ông Hidekaru Oshita, Tổng thư ký Ủy ban Hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mê Kông của JCCI khuyến nghị, Chính phủ cần tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, đảm bảo nhu cầu phát điện, phát triển mạng lưới DN CNHT và sẵn sàng về nguồn nhân lực chất lượng cao. Một DN muốn phát triển bền vững thì không thể thiếu sự liên kết chuỗi cung ứng, do đó Việt Nam cần phát triển ngành CNHT. Cùng với đó, Chính phủ cần đảm bảo tính liên tục và ổn định của chính sách.

Những trao đổi giữa các DN Nhật Bản và Việt Nam tại cuộc tọa đàm lần này cũng cho thấy, để trở thành cánh tay nối dài của các DN Nhật Bản nói riêng và DN FDI nói chung, các DN CNHT, các nhà thầu trong nước vẫn còn một khoảng cách, hạn chế như: ứng dụng công nghệ quản lý, truy xuất nguồn gốc, quy mô sản xuất, tiến độ và thời hạn giao hàng...

Để xóa bỏ khoảng cách này, ông Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia đề nghị, các DN Nhật Bản nên liên kết với các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của mình; đồng thời tạo điều kiện cho các sinh viên thực tập tại DN để làm quen với công nghệ và cách thức quản lý của DN Nhật Bản.

Đối với nhu cầu về đội ngũ nhân sự quản lý cấp trung, ông Hoàng Tuấn, Phó Trưởng khoa Hợp tác quốc tế của Học viện Chính sách và Phát triển đề xuất giải pháp thu hút lao động Việt Nam đã làm việc tại Nhật Bản, bởi đây là những người am hiểu về văn hóa, cách thức làm việc và quản lý của DN Nhật Bản cũng như sử dụng tốt tiếng Nhật.

Đánh giá cao những ý kiến đóng góp thẳng thắn của các DN Nhật Bản cũng như các chuyên gia tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp và cùng với các bộ, ngành, địa phương liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn cho các DN và nhà đầu tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới.

Để Việt Nam tăng tỷ lệ nội địa hóa, cũng như giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng rất mong phía Nhật Bản hỗ trợ trong việc phát triển ngành CNHT, hướng tới mục tiêu đưa DN Việt gia nhập chuỗi cung ứng của các DN Nhật Bản nói riêng và DN FDI nói chung, tiến tới tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chuyên đề