Điểm mặt các dự án thua lỗ nặng của DNNN

(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động kém hiệu quả so với số vốn được đầu tư, thậm chí còn thua lỗ và gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế. 
Theo số liệu chưa đầy đủ, tính đến ngày 25/8/2017 có 72 dự án của các doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm
Theo số liệu chưa đầy đủ, tính đến ngày 25/8/2017 có 72 dự án của các doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả. Ảnh: Tường Lâm

Theo số liệu chưa đầy đủ tính đến ngày 25/8 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), có 72 dự án với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.

Nhiều ông lớn sa lầy

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đang vận hành Dự án Phóng vệ tinh viễn thông VINASAT-2 nhằm phục vụ chiến lược dài hạn phát triển dịch vụ kinh doanh vệ tinh, bảo vệ nguồn tài nguyên vị trí quỹ đạo Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 5.462 tỷ đồng, được đưa vào vận hành từ năm 2012, tỷ lệ lấp đầy tại thời điểm hiện tại mới đạt 30%. Tính từ năm 2012 đến 2016, Dự án lỗ 1.209 tỷ đồng.

Một “ông lớn” nhà nước khác là Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) cũng sa lầy vào các dự án không hiệu quả. Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng của những dự án này là 11.081 tỷ đồng, tăng 1,03 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu. Với vốn điều lệ hơn 1.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế của Vinapaco luôn ở mức khá “khiêm tốn”. Lợi nhuận trước thuế năm 2015 vỏn vẹn 16,7 tỷ đồng, tính đến thời điểm cuối quý I/2017 doanh nghiệp này vẫn còn gần 100 tỷ đồng lỗ lũy kế.

Một ví dụ khác là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), “ông lớn” này đã đầu tư gần 15.000 tỷ đồng vào các dự án không hiệu quả. Đối với Công ty mẹ - Vinalines, doanh nghiệp này có 3 dự án đầu tư có dấu hiệu không hiệu quả. Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, có tổng mức đầu tư 6.177,7 tỷ đồng. Dự án đã dừng thực hiện từ năm 2012 và hiện đang làm thủ tục bàn giao cho Cục Hàng hải Việt Nam; Dự án Đầu tư xây dựng cảng Cái Cui có tổng mức đầu tư 829,8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt thấp hơn rất nhiều so với tính toán ban đầu; Dự án Đầu tư xây dựng kho bãi container tại Hải Phòng có tổng mức đầu tư 352,95 tỷ đồng, thua lỗ từ khi đưa vào khai thác. 

Đầu tư trái ngành

Theo Bộ KH&ĐT, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án đầu tư của DNNN không hiệu quả là công tác lập dự án còn yếu kém; công tác thẩm định, phê duyệt dự án còn nhiều hạn chế; năng lực và trách nhiệm quản lý dự án của các chủ đầu tư còn hạn chế, yếu kém ở hầu hết các khâu quan trọng như lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư…

Bộ KH&ĐT kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân (người đại diện phần vốn nhà nước, thành viên HĐTV, thành viên HĐQT của DN) trong việc quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án... tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Vẫn theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang (XSKT Tiền Giang) và Xổ số kiến thiết Vĩnh Long (XSKT Vĩnh Long) đang thực hiện đầu tư vào các dự án bất động sản, dự án kinh doanh không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính.

Cụ thể, XSKT Tiền Giang đang phải gánh lỗ từ Dự án Xây dựng Khách sạn 4 sao Golf - Mỹ Tho. Dự án có giá trị phê duyệt ban đầu là 120 tỷ, tuy nhiên tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng lên đến 339 tỷ đồng. Ngoài ra, XSKT Tiền Giang cùng với Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang góp vốn đầu tư Dự án Nhà máy Nước Đồng Tâm. Tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 1.412 tỷ đồng, tăng 1,66 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu, Dự án hiện cũng đang kinh doanh thua lỗ. Còn XSKT Vĩnh Long đang đầu tư Dự án Khách sạn Sài Gòn - Vĩnh Long, với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, hiện đang đầu tư dở dang, chưa hoàn thành. 

“Quên” báo cáo về các dự án thua lỗ

Được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện Đề án “Nghiên cứu nâng cao hiệu quả đầu tư của DNNN, trong đó có đề ra các giải pháp khắc phục, xử lý các dự án đầu tư đang thực hiện không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường”, Bộ KH&ĐT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước rà soát các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả của DNNN, yêu cầu gửi về Bộ KH&ĐT trước ngày 25/6/2017.

Tuy nhiên, tính đến ngày 25/8/2017, nhiều đơn vị như Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội, UBND TP.HCM; một số tập đoàn kinh tế như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hoá chất, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, một số tổng công ty như Tổng công ty Xi măng, Tổng công ty Sông Đà… chưa gửi báo cáo theo đề nghị của Bộ KH&ĐT.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc chậm trễ báo cáo cho thấy các đơn vị ngần ngại công khai tình trạng thua lỗ của các dự án đầu tư.

Chuyên đề